Hẹp ống sống là tình trạng cột sống của người bệnh bị hẹp, từ đó gây ra áp lực lên các dây thần kinh đi qua cột sống. Tình trạng này thường bắt gặp ở những người trên 50 tuổi, ở cả nam và nữ. Những người trẻ bị bệnh thường do sự di truyền gây ảnh hưởng đến phát triển bình thường của xương, cơ trong cơ thể.
Hẹp thường xảy ra ở vùng lưng dưới (hẹp ống sống thắt lưng), và cổ (hẹp ống sống cổ). Nói chung tình trạng này không quá nguy hiểm, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây đau, ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc của người bênh. Trong nội dung dưới đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về hẹp ống sống, nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa và điều trị nhé.
Nguyên nhân gây hẹp ống sống
Các nguyên nhân gây tình trạng hẹp ống sống gồm:
- Các đĩa đệm cột sống bắt đầu khô và phình to.
- Xương và dây chằng cột sống dày lên, phát tiển to hơn.
- Bị viêm khớp cột sống.
- Mắc các bệnh liên quan tới xương.
- Có khuyết tật cột sống bẩm sinh.
- Chấn thương cột sống, hoặc có khối u trong cột sống.
Một số yếu tố khiến tăng nguy cơ hẹp ống sống:
- Tuổi tác: Người từ 50 tuổi trở lên dễ bị hẹp ống sống do tác động của quá trình thoái hóa.
- Di truyền: Người có người thân mắc bệnh lý liên quan tới xương, cột sống sẽ dễ bị bệnh hơn.
- Thuốc lá: Các chất độc trong thuốc lá có thể gây co mạch và ảnh hưởng tới các cấu trúc khác trong cơ thể.
- Những người từng bị chấn thương cột sống khi còn trẻ có thể bị hẹp ống sống sau nhiều năm.
- Béo phì: Trong lượng cơ thể lớn tạo ra nhiều áp lực lên cột sống.
Triệu chứng hẹp ống sống
Các triệu chứng phụ thuộc vào vùng nào của cột sống bị hẹp. Nếu hẹp ở thắt lưng sẽ gây đau ở lưng dưới, mông, đùi. Hẹp ở cổ gây đau gáy, có thể lan xuống vai, cánh tay.
Các dấu hiệu hẹp ống sống điển hình:
- Chuột rút ở tay hoặc chân.
- Khó khăn khi di chuyển hoặc giữ thăng bằng.
- Đau khi đứng hoặc vận động.
- Tiểu không kiểm soát.
Nếu có biểu hiện sau các bạn nên tới gặp bác sĩ để được xác định chính xác mức độ tổn thương cũng như được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp:
- Cảm giác tê hoặc châm chích ở chân: Thường do đĩa đệm bị trượt và tác động vào dây thần kinh tọa.
- Tiểu khó hoặc tiểu mất kiểm soát: Đĩa điệm lồi ra và tác động đến dây thần kinh có nhiệm vụ kiểm soát bàng quang.
Chẩn đoán và điều trị hẹp ống sống
Chẩn đoán hẹp ống sống
Việc chẩn đoán hẹp ống sống thường dựa vào bệnh sử và thăm khám lâm sàng. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu và nước tiểu để xem có bệnh lý nào khác gây ra các triệu chứng tương tự.
Chụp X-quang giúp xác định tổn thương xương. CT cắt lớp, và MRI cộng hưởng từ cho các hình ảnh rõ hơn về xương, thần kinh, đĩa đệm, mức độ tổn thương.
Phương pháp đo vận tốc truyền dẫn thần kinh cũng có thể được dùng để xác định tình trạng chèn ép thần kinh có gây cảm giác tê hay châm chính ở chân hay không.
Điều trị hẹp ống sống
Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh các bài tập vận động trị liệu có tác dụng phục hồi chức năng.
Massage trị liệu, châm cứu, bấm huyệt, chườm nóng hoặc lạnh có tác dụng giảm đau. Nếu bị đau lưng dai dẳng, người bệnh có thể được tiêm thuốc vào gần dây thần kinh hoặc tủy sống để giảm đau.
Phẫu thuật điều trị hẹp cột sống chỉ được sử dụng khi vật lý trị liệu và các phương pháp điều trị không xâm lấn kém hiệu quả, không đáp ứng.
Phòng ngừa hẹp ống sống
Việc điều chỉnh thói quen sinh hoạt sẽ giúp ích cho người bị hẹp ống sống.
- Giảm cân thông qua chế độ dinh dưỡng khoa học, vận động phù hợp thể trạng. Kiểm soát cân nặng giúp giảm áp lực lên cột sống.
- Chườm nóng hoặc lạnh, massage thư giãn để giảm đau tức thời.
- Sử dụng giày dép đế bằng, không dùng giày cao gót.
- Sử dụng thuốc và các bài tập theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc cũng như những thảo dược chưa qua kiểm chứng.
- Tái khám đúng lịch để các bác sĩ đánh giá kịp thời mức độ bệnh, các tiến triển và có sự điều chỉnh phù hợp trong sử dụng thuốc, các bài tập phục hồi chức năng.
Trên đây là một số chia sẻ về tình trạng hẹp cột sống. Mong rằng các thông tin trong bài viết giúp các bạn hiểu hơn về vấn đề sức khỏe này, từ đó chăm sóc sức khỏe của mình và gia đình tốt hơn!