Những cơn đau thắt ngực ổn định tuy rằng không thể gây nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh nhưng nó lại có thể là dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim. Vì vậy, để phòng tránh hiệu quả nhồi máu cơ tim cần hiểu rõ những kiến thức về đau thắt ngực ổn định, từ những dấu hiệu nhận biết tới hướng điều trị các cơn đau thắt ngực.
Các cơn đau thắt ngực ổn định xảy ra khi cơ tim nhận thiếu lượng máu giàu oxy cần thiết để hoạt động một cách bình thường. Tình trạng thiếu hụt máu giàu oxy sẽ khiến tim phải làm việc nhiều hơn, đập nhanh và mạnh hơn khi người bệnh gắng sức hoặc căng thẳng quá mức. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến nguy cơ nhồi máu cơ tim, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Triệu chứng của đau thắt ngực ổn định
Khi xuất hiện cơn đau thắt ngực ổn định, người bệnh thường có cảm giác nơi lồng ngực đau như bị bóp chặt, bị đè nén. Trường hợp bị đau nặng, cơn đau có thể lan từ ngực đến cổ, sau đó đau lan sang cánh tay và vai.
Cơn đau thắt ngực ổn định xuất hiện, người bệnh có thể xuất hiện thêm các triệu chứng kèm theo như: Cảm giác buồn nôn, cảm thấy mệt mỏi, khó thở, bị chóng mặt, vã mồ hôi lạnh...
* Đặc điểm của đau thắt ngực ổn định
Cơn đau chỉ xuất hiện khi người bệnh gắng sức;
Dấu hiệu của đau thắt ngực ổn định có tính chất tạm thời;
Cơn đau thường xảy ra trong khoảng 15 phút và sẽ giảm dần khi người bệnh nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc điều trị đau thắt ngực.
Nguyên nhân gây đau thắt ngực ổn định
Mảng xơ vữa động mạch vành làm cho lòng mạch bị thu hẹp khiến cho lưu lượng máu tới tế bào cơ tim bị giảm là một trong những nguyên nhân chính gây ra đau thắt ngực ổn định.
Sự hình thành các cục máu đông cũng có thể là nguyên nhân làm tắc hẹp mạch máu và gây ra đau thắt ngực. Ngoài ra, còn một số yếu tố nguy cơ có thể gây đau thắt ngực ổn định như:
- Do hút thuốc lá: Chất nicotin có trong thuốc lá là yếu tố thức đẩy sự tích tụ cholesterol trên thành mạch, gây ra tình trạng xơ vữa.
- Người mắc bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường sẽ dẫn đến nồng độ cholesterol trong máu tăng lên, điều này sẽ làm tăng tốc độ xơ vữa mạch vành, tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.
- Bệnh huyết áp cao: Huyết áp tăng cao, dòng máu sẽ gây áp lực lên thành động mạch khiến các động mạch bị tổn thương, điều này sẽ thúc đẩy tốc độ xơ cứng động mạch.
- Tình trạng rối loạn lipid máu: Rối loạn mỡ máu sẽ khiến nồng độ chất béo và cholesterol bão hòa tăng cao, đây là nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị đau thắt ngực và đau tim.
- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim: Trường hợp trong gia đình có người mắc bệnh động mạch vành hoặc bị đau tim thì người đó sẽ có nguy cơ cao bị đau thắt ngực.
- Yếu tố tuổi tác: Theo số liệu nghiên cứu thì nam giới > 45 tuổi và nữ giới> 55 tuổi dễ có nguy cơ đau thắt ngực ổn định.
- Do bị béo phì: Người béo phì có nguy cơ bị đau thắt ngực và bệnh tim mạch cao hơn so với người bình thường.
- Do ít vận động: Những người ít vận động, lười tập thể dục rất dễ tăng cholesterol, tăng nguy cơ béo phì, tăng huyết áp, đồng thời nó có thể làm giảm khả năng lưu thông máu trong lòng mạch.
- Do căng thẳng, stress: Sự căng thẳng hoặc tức giận quá mức có thể khiến huyết áp tăng cao và làm tăng nguy cơ xảy ra cơn đau thắt ngực ổn định.
4 cấp độ đau thắt ngực ổn định
Đau thắt ngực ổn định được chia thành 4 mức độ:
- Độ 1: Khi người bệnh hoạt động thể lực bình thường sẽ không thể gây đau thắt ngực, cơn đau chỉ xuất hiện khi hoạt động thể lực rất mạnh.
- Độ 2: Cơn đau thắt ngực xuất hiện khi người bệnh leo cầu thang hoặc đi bộ dài.
- Độ 3: Khi người bệnh đi bộ dài từ 1 đến 2 dãy nhà hoặc leo cao sẽ xuất hiện cơn đau, vì vậy cần hạn chế kể cả các hoạt động thể lực thông thường.
- Độ 4: Cơn đau thắt ngực xuất hiện ngay cả khi người bệnh làm việc nhẹ, gắng sức nhẹ.
Cách xử trí khi bị đau thắt ngực ổn định
Khi có triệu chứng đau thắt ngực ổn định, người bệnh cần nhanh chóng thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Nghỉ ngơi hoàn toàn, nằm nghỉ ở tư thế nửa nằm nửa ngồi và nâng cao đầu gối; Nới lỏng quần áo đang mặc; Giữ ấm cho cơ thể.
- Bước 2: Sử dụng các loại thuốc giãn mạch để giảm cơn đau.
- Bước 3: Nếu đã sử dụng thuốc giãn mạch nhưng cơn đau thắt ngực ổn định vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm thì sau 20 phút cần phải đi cấp cứu ngay để tránh nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.
4.Phương pháp điều trị và phòng ngừa cơn đau thắt ngực ổn định
Điều trị đau thắt ngực ổn định
Thuốc làm giãn động mạch vành có tắc dụng cải thiện lưu lượng máu tới nuôi cơ tim, giảm gánh nặng cho tim.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định người sử dụng các loại thuốc điều trị các bệnh lý nguy cơ như: Thuốc làm giảm mỡ máu, thuốc hạ huyết áp, thuốc chống đông máu...
Phòng tránh đau thắt ngực ổn định
Điều chỉnh lối sống sinh hoạt khoa học bằng cách làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn nhiều ra xanh và trái cây, hạn chế thực phẩm nhiều chất béo, ăn ít đồ ngọt.
Không hút thuốc lá.
Hạn chế sử dụng chất kích thích như: rượu, bia, cà phê...
Kiểm soát tốt huyết áp, cân nặng, mỡ máu, đường huyết.
Chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao.
Tránh căng thẳng, stress.
Nghỉ ngơi điều độ và ngủ đủ giấc.
Áp dụng liệu pháp massage để thư giãn cơ thể, cải thiện tâm trạng và chăm sóc sức khỏe.