Massage chân được biết tới là liệu pháp đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Đặc biệt, khi thực hiện các động tác massage chân nhẹ nhàng cho phụ nữ đang mang thai sẽ giúp mẹ bầu tránh được tình trạng phù nề, tê chân một cách hiệu quả và nhanh chóng.
Hướng dẫn cách tự massage chân cho bà bầu tại nhà
Massage chân cho bà bầu là gì?
Massage chân cho bà bầu là liệu pháp được nhiều người yêu chuộng và sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, hiện nay phương pháp massage này vẫn chưa được các cơ quan y tế kiểm chứng, vì thế không phải tất cả các cơ sở massage đều có dịch vụ massage chân cho bà bầu.
Mặc dù vậy, nếu thực hiện massage chân cho bà bầu đúng cách thì phương pháp này vẫn đảm bảo an toàn và có thể đem lại nhiều lợi ích sức khỏe.
Cách thực hiện massage chân cho bà bầu tại nhà
Để việc massage chân cho bà bầu đạt được hiệu quả tốt nhất thì cần phải biết cách massage chân sao cho phù hợp theo các bước:
- Bước 1: Chuẩn bị trước khi massage: Cần chuẩn bị một chiếc ghế để mẹ bầu ngồi trên ghế. Lưu ý chọn ghế không quá cao, cần đảm bảo chân của mẹ bầu có thể tiếp xúc với mặt đất. Sau đó, thoa một lớp dầu massage lên bàn chân của mẹ bầu.
- Bước 2: Massage bàn chân: Sử dụng ngón tay cái để chà nhẹ vào vị trí có nhiều thịt, chà phía sau của các ngón chân, trong khoảng 30 giây. Tiếp theo, làm động tác vuốt ve liên tục với lực đều và nhẹ nhàng di chuyển ngón tay dọc theo bàn chân, rồi xoa bóp kẽ của các ngón chân.
Thực hiện động tác massage lòng bàn chân bằng cách sử dụng 2 tay giữ lòng bàn chân, sau đó chậm rãi ấn hai đầu ngón tay cái dọc theo từ gót tới các ngón chân.
Lặp lai động tác massage lòng bàn chân trong khoảng 5 – 8 phút.
- Bước 3: Massage cẳng chân: Sau khi hoàn thành việc massage bàn chân, tiếp tục thực hiện massage cho vùng mắt cá chân. Tiếp theo, sử dụng 2 tay để xoa từ khuỷu chân đến bắp đùi thật nhẹ nhàng. Động tác massage này nhằm mục đích giúp bắp chân lưu thông máu, đồng thời giảm sưng phù.
Kết thúc quá trình massage chân bằng cách nhẹ nhàng xoa bóp dọc từ bắp đùi xuống bắp chân.
Lặp lại các động tác ở mỗi bên chân khoảng 10 phút hoặc lâu hơn, tùy vào sự mong muốn của mẹ bầu.
Những lợi ích từ việc massage chân cho bà bầu
Lợi ích đối với sức khỏe
Cơ thể của phụ nữ mang thai thường tích tụ nhiều chất lỏng dư thừa. Ngoài ra, khi thai kỳ phát triển, tử cung lớn dần sẽ tạo áp lực cho tĩnh mạch chủ và tĩnh mạch chậu. Những áp lực này khiến dòn máu ở chân lưu thông chậm gây ra tình trạng ứ đọng, thậm chí là sưng phù và đau nhức chân. Vì vậy, nếu thực hiện xoa bóp chân cho mẹ bầu thường xuyên sẽ giúp ngăn ngừa hoặc giảm bớt triệu chứng đau nhức, khó chịu.
Lợi ích về tinh thần
Massage chân có tác dụng giúp mẹ bầu bình tĩnh và tâm trí thư giãn. Điều này là cần thiết và đặc biệt quan trọng đối với những người lần đầu làm mẹ.
Massage còn giúp cải thiện tâm trạng để phòng tránh trầm cảm cho mẹ, để bé sinh ra được khỏe mạnh, thuận lợi.
Massage chân cho mẹ bầu cũng rất tốt đối với thai nhi
Việc massage cho mẹ bầu đem lại lợi ích tăng cường sức khỏe cho mẹ, đồng thời kích thích sự phát triển của bé.
Khi thực hiện các động tác massage chân cho mẹ, thai nhi trong bụng mẹ cũng có thể cảm nhận được và bé sẽ phản ứng bằng các vận động trong bụng mẹ. Như vậy, việc massage chân cho mẹ thường xuyên chính là cách để tăng mối liên hệ giữa mẹ và bé.
Những trường hợp chống chỉ định massage chân
Một số trường hợp không nên massage chân, đó là:
- Những mẹ bầu có nguy cơ bị tiền sản giật
Tình trạng bị tiền sản giật là một trong những biến chứng thai kỳ rất nghiêm trọng. Nguyên nhân gây tiền sản giật là do huyết áp tăng cao, kèm theo dấu hiệu các cơ quan khác bị tổn thương, nhất là tổn thương thận. Mẹ bầu sẽ có nguy cơ gặp phải biến chứng tiền sản giật trong những tháng cuối của thai kỳ.
Dấu hiệu nhận biết tiền sản giật như: Mẹ bầu có triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa; Thị lực bị thay đổi, mắt mờ hoặc trường hợp nặng có thể bị mất thị lực; Một số trường hợp có thể bị phù chân; Trọng lượng cơ thể tăng đột ngột…;
Đối với trường hợp này, chỉ nên massage khi có sự chỉ định của bác sĩ.
- Trường hợp bị huyết khối tĩnh mạch sâu
Những người bị huyết khối tĩnh mạch sâu thường liên quan tới tình trạng máu đông xuất hiện trong các tĩnh mạch nằm sâu bên trong cơ thể, nhất là những tĩnh mạch nằm sâu trong chân.
Trường hợp mẹ bầu bị huyết khối tĩnh mạch sâu sẽ khiến chân bị sưng và có thể kèm theo cơn đau nhức dữ dội. Đối với trường hợp này, nếu thực hiện massage chân có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Bởi vì, khi massage sẽ gây áp lực lên tĩnh mạch, khiến cục máu đông di chuyển. Nếu cục máu đông di chuyển tới phổi có thể chặn dòng chảy của máu và gây tắc mạch, dẫn tới tử vong.