Khi lưu lượng máu trong cơ thể bị hạn chế tới các bộ phận như bàn tay, bàn chân và mũi, nó sẽ làm giảm oxy cung cấp cho các bộ phận này và gây lạnh bàn chân. Tình trạng lạnh bàn chân thường có một số triệu chứng khác như tê chân, cảm giác ngứa ra và đau như bị kim châm… Để khắc phục tình trạng này có thể áp dụng phương pháp massage chân với tinh dầu, đồng thời kết hợp luyện tập để làm ấm bàn chân.
Massage trị liệu cải thiện các triệu chứng bàn chân lạnh
Bàn chân bị lạnh do một số nguyên nhân gây ra như thiếu máu, do bị suy tuyến giáp, do nhiệt độ lạnh, trường hợp bị bệnh tiểu đường, thiếu vitamin, người bị căng thẳng cấp tính, người hút thuốc lá, cholesterol cao... Lạnh bàn chân có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và gây ảnh hưởng tới vận động cũng như sức khỏe.
Để cải thiện tình trạng lạnh bàn chân, chúng ta có thể áp dụng ngay tại nhà một số phương pháp sau:
Massage chân kết hợp dầu massage
Liệu pháp sử dụng dầu để xoa bóp chân là phương pháp truyền thống được áp dụng phổ biến cho mọi lứa tuổi. Một số loại dầu được sử dụng phổ biến như dầu mù tạt, dầu ô liu, dầu mè… Đặc tính của các loại dầu này là chống viêm, bảo vệ da và lưu thông máu, vì vậy nó có thể đem lại cảm giác thoải mái và giúp làm ấm bàn chân.
Cách thực hiện: Lấy một lượng dầu ra tay, làm ấm nó rồi thoa đều lên bàn chân, sau đó thực hiện động tác massage nhẹ nhàng bàn chân từ 5 – 10 phút, rồi đi tất vào.
Nên massage chân với tinh dầu hàng ngày trước khi đi ngủ để giữ ấm cho bàn chân, nhất là vào mùa đông lạnh.
Biện pháp thủy trị liệu
Thủy trị liệu là cách sử dụng nước có thể là hơi nước, nước đá, nước ấm…để trị liệu các bệnh khác nhau. Chẳng hạn, ngâm chân trong nước ấm giúp thúc đẩy lưu lượng máu, nước lạnh giúp giảm đau…
Cách thực hiện: Chuẩn bị 1 chiếc xô đựng nước lạnh và 1 xô nước nóng, rồi ngâm chân luân phiên ở cả hai xô trong khoảng 10 - 15 phút, sau đó vỗ nhẹ chân cho khô và đi tất vào.
Nên thực hiện cách ngâm chân này mỗi ngày một lần.
Bổ sung thực phẩm
- Uống trà gừng giúp làm ấm cơ thể: Theo nghiên cứu của Đông y, củ gừng có tác dụng tăng thân nhiệt. Do vậy, uống nước gừng ấm có tác dụng cải thiện lưu thông máu và làm ấm cơ thể, trong đó có bàn chân.
Cách làm: Sử dụng 2 - 3 lát gừng tươi cho vào nước sôi, có thể bỏ thêm thìa đường, khuấy đều rồi uống.
- Bổ sung cho cơ thể các loại thực phẩm giàu sắt, folate và vitamin B12: Sắt, folate và vitamin B12 là những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể để sản xuất các tế bào hồng cầu, vận chuyển oxy và cải thiện lưu lượng máu. Vì vậy, khi bổ sung các dưỡng chất này sẽ có tác dụng làm ấm bàn chân.
Cách làm: Các loại thực phẩm chứa nhiều sắt, folate và vitamin B12 như các loại đậu, quả chà là, quả táo, mơ khô, thịt,...
- Uống nước rau má: Rau má đem lại lợi ích tuyệt vời giúp cải thiện lưu thông máu và giảm sưng. Trong thành phần loại thảo dược này có chứa flavonoid, tannin, polyphenol và các loại dầu dễ bay hơi. Vì vậy uống nước rau má sẽ rất hiệu quả trong việc làm ấm chân và cải thiện các triệu chứng liên quan.
Luyện tập và thực hiện các giải pháp để làm ấm chân
- Luyện tập các bài tập khởi động chân: Một số bài tập giúp cải thiện lưu thông máu và làm ấm bàn chân như: Đi bộ bằng gót chân; Xoay bàn chân theo chiều kim đồng hồ, sau đó xoay ngược chiều kim đồng hồ…
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi tập luyện sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể, nhất là bàn chân. Vì vậy, luyện tập thể dục thường xuyên với các bài tập phù hợp sẽ giúp giữ ấm cho đôi chân, đặc biệt là vào mùa đông.
- Mặc trang phục để giữ ấm bàn chân: Hãy mặc quần áo ấm và đi tất để giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên, tránh đi giày chật và quần áo chật, nên sử dụng chất liệu mềm và thoáng.
- Sử dụng muối Epsom để ngâm chân: Tắm muối Epsom có tác dụng giúp cải thiện lưu thông máu. Ngâm chân với nước mối Epsom sẽ giúp chống lại các vấn đề về bàn chân lạnh, từ đó cải thiện các triệu chứng đặc trưng bởi cảm giác lạnh, tê và ngứa ran ở bàn chân.
Cách làm: Dùng khoảng 2-3 thìa cà phê muối Epsom pha vào 1 xô nước ấm rồi ngâm chân trong nước khoảng 10 phút. Vỗ nhẹ chân cho khô và đi tất vào.
=> Lưu ý: Bệnh nhân tiểu đường khi thực hiện ngâm chân nên cẩn thận do những người này bị mất cảm giác lạnh bàn chânnên có thể vô tình bị bỏng khi ngâm chân.
- Sử dụng đệm sưởi để làm ấm: Sử dụng miếng đệm nóng để làm ấm chân trước khi đi ngủ sẽ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Phương pháp này cũng có tác dụng tương tự như ngâm chân, làm dịu cơn đau, cải thiện tuần hoàn và cung cấp độ ẩm cho chân.
Cách làm: Hãy đặt bàn chân lạnh lên một miếng đệm sưởi hoặc chai nước nóng. Tuy nhiên, cần lưu ý tránh vùng da bị tổn thương và không sử dụng đệm sưởi khi ngủ.