Giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, ngày nay chứng mất ngủ đã trở nên phổ biến,gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Để cải thiện tình trạng mất ngủ,chúng ta có thể tham khảo một số phương pháp điều trị thay thế như châm cứu, thư giãn, thiền, chánh niệm, tập thể dục,... để có được chất lượng giấc ngủ tốt hơn.
Thế nào là liệu pháp điều trị thay thế?
Liệu pháp điều trị thay thế là những quy tắc được áp dụng trong chế độ ăn uống, luyện tập, điều hòa tinh thần và thay đổi lối sống nhằm nâng cao sức khỏe tổng thể, trong đó có cả việc cải thiện tình trạng mất ngủ.
Giấc ngủ đối với con người là rất quan trọng, bởi đây là lúc chúng ta được nghỉ ngơi sau thời gian vất vả làm việc và học tập. Vì vậy, khi bị mất ngủ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và đời sống tinh thần cũng như hoạt động hàng ngày.
Chứng mất ngủ chính là một dạng rối loạn giấc ngủ phổ biến, nó khiến chúng ta khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, thức dậy quá sớm, hoặc khi đã thức giấc sẽ rất khó ngủ lại gây ra cảm giác mệt mỏi khi thức dậy. Vì vậy, để cải thiện chứng mất ngủ, ngoài cách áp dụng theo phác đồ điều trị, bác sĩ có thể tư vấn người bệnh sử dụng liệu pháp thay thế phù hợp để có được hiệu quả tốt nhất.
Một số liệu pháp điều trị thay thế giúp khắc phục chứng mất ngủ
Sử dụng thảo dược để cải thiện chứng mất ngủ
Có thể sử dụng một số chất trong thảo dược để giúp điều trị chứng mất ngủ như:
- Rễ cây nữ lang: Kết quả của một số nghiên cứu đã đưa ra gợi ý sử dụng rễ cây nữ lang sẽ có thể cải thiện tình trạng mất ngủ và giúp duy trì giấc ngủ. Tuy nhiên, loại thảo dược này vẫn cần nghiên cứu thêm về sự an toàn và hiệu quả của nó, nhất là khi sử dụng cho trẻ nhỏ và phụ nữ đang mang thai.
- Hoa cúc: Đây là một trong những loại thảo mộc được sử dụng phổ biến để điều trị chứng mất ngủ. Mặc dù vậy, hiện vẫn chưa có bằng chứng nào khẳng định tác dụng của nó tới chứng mất ngủ.
- Các loại thảo mộc khác: Một số loại thảo mộc khác cũng được truyền miệng là có tác dụng chữa mất ngủ như lạc tiên, hoa bia và húng chanh. Song thực tế vẫn cần nghiên cứu để xác định độ an toàn và hiệu quả của chúng.
Dùng Melatonin để điều chỉnh chứng mất ngủ
Melatonin là một loại hormone do tuyến tùng bên trong não người sản xuất ra. Hiện nay những tác dụng của melatonin rất phức tạp và vẫn chưa xác định được rõ ràng. Tuy nhiên, chất này lại đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh chu kỳ thức - ngủ cũng như các nhịp sinh học khác của con người.
Theo một số nghiên cứu, Melatonin được sử dụng như một phương pháp điều trị cho chứng rối loạn nhịp sinh học, giúp giảm rối loạn giấc ngủ do trễ máy bay gây ra.
Áp dụng liệu pháp massage
Massage giúp cơ thể thư giãn, tâm trạng thoái mái hơn, do đó người được massage sẽ dễ dàng đi vào giấc ngủ, ngủ ngon giấc. Để thực hiện massage xoa bóp bạn có thể nhờ người thân hoặc sử dụng các loại ghế massage hiện đại.
Sử dụng liệu pháp châm cứu
Đây là phương pháp thường được sử dụng trong Y Học Cổ Truyền Trung Quốc để điều trị chứng mất ngủ. Châm cứu được thực hiện bằng cách cắm loại kim rất nhỏ vào các huyệt đạo để tác động đến hoạt động của cơ thể.
Thư giãn, thiền định hoặc chánh niệm
Sự căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày có thể trở thành nguyên nhân gây cản trở giấc ngủ. Vì vậy, liệu pháp thư giãn, tĩnh tâm đã được chứng minh rất hiệu quả cho chứng mất ngủ. Đây là kỹ thuật mà mọi người đều có thể học và tự thực hiện để cải thiện và điều chỉnh chứng mất ngủ.
Tăng cường tập thể dục
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc tập thể dục thường xuyên giúp người trẻ tuổi có được giấc ngủ sâu, đồng thời phòng tránh được chứng rối loạn giấc ngủ.
Ngoài ra, tập thể dục cũng rất tốt và cần thiết đối với người cao tuổi, nhất là bệnh nhân ung thư bởi nó giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ hiệu quả. Tuy nhiên, cần lưu ý tránh tập thể dục sát giờ ngủ, hãy tập cách giờ đi ngủ ít nhất từ 3 – 4 giờ.
Lưu ý khi áp dụng liệu pháp thay thế
Liệu pháp thay thế không phải là phương pháp lúc nào cũng lành tính. Vì thế, hãy cân nhắc trước khi bắt đầu sử dụng liệu pháp thay thế.
Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp thay thế nào và lưu ý trao đổi kỹ những liệu pháp thay thế mà mình đã từng sử dụng.
Thông báo cho bác sĩ ngay nếu gặp các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn mửa, tim đập nhanh, lo lắng, tiêu chảy, da phát ban…đồng thời ngừng sử dụng sản phẩm thảo dược.
Không nên sử dụng các chế phẩm được làm từ nhiều hơn một loại thảo mộc.
Tìm hiểu kỹ nguồn thông tin về sản phẩm thảo mộc trước khi sử dụng, đồng thời nên lựa chọn sản phẩm có thương hiệu để tránh tác dụng phụ có thể xảy ra.