Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý mãn tính về khớp, nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các vận động của người bệnh cũng như khả năng lao động và sinh hoạt hàng ngày. Phương pháp phục hồi chức năng cho người bị viêm khớp dạng thấp giúp hạn chế tình trạng khớp bị biến dạng, đồng thời duy trì hoạt động bình thường cho người bệnh.
Triệu chứng lâm sàng của viêm khớp dạng thấp
Giai đoạn đầu, viêm khớp dạng thấp thường khởi phát từ từ, sau tăng dần và viêm một khớp nhỏ có thể là khớp bàn tay, khớp gối… Khớp sẽ bị sưng, đau nhưng chưa xuất hiện bị đỏ, nóng, vào buổi sáng có thể người bệnh có triệu chứng cứng khớp. Thông thường giai đoạn khởi phát của viêm khớp dạng thấp sẽ diễn ra trong khoảng vài tuần tới vài tháng, rồi sau đó chuyển sang giai đoạn toàn phát.
Ở giai đoạn toàn phát, nhiều khớp sẽ bị sưng đau cùng lúc, các cơn đau thường xuất hiện về đêm và gần sáng. Giai đoạn này là viêm đa khớp và các khớp viêm có tính chất đối xứng, gây sưng đau và hạn chế vận động. Người bệnh có thể bị viêm đau nhiều khớp như khớp cổ tay, khớp bàn ngón, khớp ngón gần bàn tay, khớp gối, khớp cổ chân, khớp ngón chân, khớp khuỷu.
Phương pháp phục hồi chức năng vận động
-
Hãy để các khớp được nghỉ ngơi
Để các khớp nghỉ ngơi trong đợt tiến triển, không nên gắng sức vận động nặng có thể làm biến dạng khớp. Trong khi chờ thuốc có tác dụng, ban ngày hãy để khớp được nghỉ ngơi và ban đêm cần đặt đúng tư thế.
Bình thường, người bị đau khớp gối thường kê cao khoeo chân để giảm đau, tuy nhiên nó có thể gây cứng khớp khi đầu gối ở tư thế gấp.
Bàn tay và cổ tay bị viêm khớp cũng cần cố định ở tư thế đúng, hãy mang nẹp nghỉ ngơi vào ban đêm sẽ làm giảm sự co rút của gân cơ đồng thời giữ cho cổ tay ở tư thế chức năng. Đeo nẹp còn giúp giảm đau và chống viêm.
* Cần lưu ý: cho khớp nghỉ ngơi không có nghĩa là để khớp bất động cả ngày, khi đỡ đau đớn, mệt mỏi, người bệnh cần vận động nhẹ nhàng để tránh hậu quả có thể làm cứng khớp.
-
Dùng nẹp để phục hồi chức năng
Dùng nẹp để cố định và duy trì sự ổn định của các khớp, đồng thời giảm tình trạng viêm, kết hợp sửa chữa sự biến dạng của khớp.
Có hai loại nẹp để phục hồi chức năng, đó là: Nẹp chức năng và nẹp nghỉ ngơi. Người bệnh sử dụng loại nẹp nào sẽ do bác sĩ kê đơn.
- Nẹp chức năng: Được sử dụng khi người bệnh hoạt động, nẹp sẽ giúp thúc đẩy các động tác và bảo vệ khớp. Khi thực hiện các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày mà cảm thấy đau cổ tay, người bệnh có thể đeo nẹp cổ tay hoặc ngón tay.
Khi sử dụng nẹp cổ tay tăng lực, người bệnh thậm chí có thể làm vườn. Những trường hợp ngón tay có dấu hiệu biến dạng, gây khó khăn khi hoạt động và lao động, người bệnh cần mang nẹp, nó sẽ giúp hạn chế được các tác hại cho khớp.
- Nẹp nghỉ ngơi: Nẹp này được đeo khi người bệnh nghỉ ngơi vào ban ngày hoặc ban đêm. Nẹp sẽ giúp cố định cả bàn tay và cổ tay, mỗi vị trí khớp sẽ được nẹp cố định giúp giảm co cứng khớp, tránh đau đớn. Sử dụng nẹp nghỉ ngơi, khi tháo nẹp ra lúc sáng sớm, cần ngâm tay vào nước ấm để các ngón tay cử động, tránh cứng khớp.
-
Luyện tập thể dục, thể thao
Vận động đúng cách sẽ rất tốt cho phục hồi chức năng viêm khớp dạng thấp. Khi cơn đau giảm, người bệnh có thể mang dụng cụ giúp đỡ là có thể hoạt động được.
Có thể luyện tập các bài tập luyện cơ lực đối kháng, tập các bài tập thể dục tại nhà giúp duy trì sự mềm dẻo của bàn tay, ngón tay. Một số bài tập có thể giúp chân đứng vững, thuận tiện cho việc đi lại. Người bệnh cũng có thể thực hiện các bài tập như đi bộ, đi xe đạp, bơi lội… lưu ý là hãy tập theo khả năng của mình, không nên luyện tập quá sức sẽ gây hại cho khớp.
Phục hồi chức năng vận động cho một số khớp
-
Khớp bàn tay
Viêm khớp dạng thấp thường xuất hiện nhiều nhất ở các khớp bàn tay, nếu phát hiện bệnh muộn, bàn tay sẽ bị biến dạng như bán trật khớp bàn đốt khiến bàn tay bị nghiêng trụ, khớp bàn đốt có thể bị biến dạng gập, khớp liên đốt bị duỗi quá và bị gập ở các khớp liên đốt xa…
- Nguyên nhân của sự biến dạng này là do các đầu xương đã bị hủy hoại, gân bị di lệch hoặc bị đứt khiến các cơ bàn tay bị mất cân bằng. Ở giai đoạn này cần sử dụng phương pháp vật lý trị liệu để bảo vệ, phục hồi chức năng vận động, đặc biệt là chức năng cầm nắm của tay.
- Giai đoạn cấp tính: Bàn tay cần được chườm lạnh và vận động nhẹ nhàng cả những ngón tay, dùng máng bột hay nẹp nhựa để nẹp bàn tay và ngón tay. Nẹp sao cho cổ tay duỗi 20 độ, gập 45 độ khớp bàn đốt, khớp liên đốt gập 30 độ, khớp liên đốt xa gập 20 độ, riêng ngón cái sẽ ở tư thế duỗi và dạng.
- Phục hồi chức năng ở giai đoạn bán cấp tính và mãn tính: Ngâm paraphin để giảm đau, sử dụng dụng cụ hỗ trợ để tăng vận độngcủa bàn tay và các ngón tay. Người bệnh cần luyện tập các chức năng cầm nắm. Lưu ý khi kéo giãn gân cơ cần nhẹ nhàng không kéo quá mức. Khi nghỉ ngơi, khi ngủ cần dùng nẹp để nâng đỡ bàn tay.
-
Phục hồi chức năng cho khớp vai
Viêm khớp dạng thấp ở khớp vai là hiện tượng bao khớp và màng hoạt dịch bị viêm khiến cho vận động khớp vai bị hạn chế thậm chí bị cứng khớp. Vì thế cần phục hồi chức năng của khớp vai để khớp được tăng khả năng vận động.
- Viêm khớp vai giai đoạn cấp tính: người bệnh không nên vận động khớp mà cần để khớp được nghỉ ngơi, chườm đá hoặc xoa bóp để giảm đau.
- Giai đoạn bán cấp và mãn tính: ở giai đoạn này, người bệnh có thể sử dụng nhiệt để giảm đau và làm mềm gân, đồng thời có thể vận động có trợ giúp để khớp được hoạt động và lực cơ được duy trì.
-
Khớp gối và khớp háng
Là các khớp chịu lực chính của cơ thể, phục hồi chức năng cho khớp gối và khớp háng là duy trì vận động và lực của khớp.
- Phục hồi chức năng ở giai đoạn cấp tính: Người bệnh hãy nghỉ ngơi tại giường. Lưu ý không nên kê gối phía dưới nơi bị viêm mà nên đặt máng bột cả ngày và đêm.
- Giai đoạn bán cấp và mãn tính: Người bệnh có thể giảm đau bằng nhiệt, vận động có trợ giúp, tập di chuyển với nạng, tập cơ đầu đùi, đặt máng bột phía sau đầu gối vào ban đêm.
-
Khớp bàn chân
Khớp chịu lực nên dễ bị biến dạng nghiêm trọng như bàn chân bị vẹo, ngón chân hình vuốt thú…phục hồi chức năng cho khớp bàn chân nhằm mục đích tránh các biến dạng này.
- Giai đoạn cấp tính: người bệnh cần được nghỉ ngơi tại giường, cổ chân để trong máng bột, khi vận động hãy thật nhẹ nhàng.
- Giai đoạn bán cấp và mãn tính: dùng nhiệt để giảm đau, cho các khớp vận động thụ động, kéo giãn gân cơ nhất là gân gót, và người bệnh có thể tập di chuyển với nạng.
Một trong những cách đơn giản và hiệu quả giúp giảm đau, phòng ngừa và hỗ trợ phục hồi chức năng vận động cho người bệnh viêm khớp dạng thấp là sử dụng liệu pháp massage.
Massage trị liệu cũng như ghế massage toàn thân giúp tăng cường vận động cho các khớp, tăng cường tiết hoạt dịch. Massage còn giúp cải thiện tuần hoàn máu, tăng cường trao đổi chất và đào thải độc tố ra ngoài cơ thể.
Trên đây là một số chia sẻ về phục hồi chức năng vận động cho người bệnh viêm khớp dạng thấp từ Okasa. Các bạn hãy lưu ý những thông tin này để chăm sóc cho bản thân và các thành viên trong gia đình tốt hơn nhé!