Tắc động mạch ngoại biên chi dưới là bệnh lý nghiêm trọng, nó không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn có thể gây nguy cơ hoại tử phải cắt cụt chân, thậm chí có thể tử vong.
Thế nào là tắc động mạch ngoại biên chi dưới?
Bệnh động mạch ngoại biên xảy ra khi bị rối loạn tuần hoàn gây ra tình trạng các đoạn động mạch bị hẹp rồi dần bị tắc hoàn toàn làm giảm lượng máu đến vùng chân khiến vùng này bị mất nuôi dưỡng và sinh ra chứng đau cách hồi nhất là khi đi bộ.
Bệnh tắc động mạch ngoại biên có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí đoạn mạch nào, tuy nhiên thường gặp nhất là ở động mạch chân. Động mạch chân bị tắc là do thành mạch có các mảng xơ vữa và huyết khối làm cản trở sự lưu thông tuần hoàn máu xuống các vùng thấp của cơ thể.
Nguyên nhân gây tắc động mạch ngoại biên chi dưới
Nguyên nhân chủ yếu gây tắc động mạch ngoại biên chi dưới là do các mảng xơ vữa động mạch. Ngoài ra, xơ vữa động mạch còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể đặc biệt là tim với các động mạch lớn. Ngay tại đoạn mạch bị tắc có thể hình thành cục huyết khối hoặc nó hình thành ở các đoạn mạch khác rồi di chuyển tới làm bít tắc đoạn mạch đó.
- Theo số liệu thống kê, có tới 90% số trường hợp bị tắc động mạch ngoại biên chi dưới có nguyên nhân từ các bệnh lý tim mạch như: Bị rối loạn nhịp tim; Những người bị nhồi máu cơ tim; Bị bệnh lý van tim; Bị phình tắc động mạch...
- Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có thể gây tắc động mạch ngoại biên chi dưới như: Bị viêm hoặc bị tổn thương chân; Trườ ng hợp gặp bất thường về giải phẫu của dây chằng hay cơ; Do tiếp xúc với các chất phóng xạ.
Yếu tố nguy cơ gây tắc động mạch ngoại biên chi dưới
- Bệnh dễ xảy ra ở những người béo phì do tăng tích đọng cholesterol ở lòng mạch sẽ có nguy cơ hình thành huyết khối.
- Do yếu tố tuổi tác: Những người lớn tuổi, đặc biệt người > 50 tuổi.
- Yếu tố di truyền: trong gia đình có người bị bệnh động mạch ngoại biên.
- Người nghiện thuốc lá: Hút thuốc lá được xem là nguyên nhân chính gây bệnh động mạch ngoại biên.
- Những người thường xuyên dùng các chất kích thích như rượu bia...
- Người bị mắc các bệnh nội khoa như: Bệnh tiểu đường, cao huyết áp, cholesterol máu cao.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh tắc động mạch ngoại biên chi dưới
- Tình trạng đau cách hồi: Cơn đau xuất hiện ở một nhóm cơ hoặc một dải cơ với tính chất đặc trưng là đau tăng khi vận động, giảm hoặc hết ngay sau khi người bệnh nghỉ ngơi. Cảm giác đau giống như bị chuột rút hoặc bị co cơ. Mức độ đau nặng hay nhẹ sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp và tình trạng tắc nghẽn. Vị trí thường gặp nhất là đau vùng bắp chân.
- Động mạch bị tắc hẹp làm giảm nuôi dưỡng cho các vùng cơ xung quanh gây ra tình trạng: Teo cơ và tổ chức mỡ dưới da; Cảm giác lạnh vùng chi dưới; Để lâu dần có thể gây loét các vùng ngọn chi và không có khả năng phục hồi; Mạch đập dưới vùng tắc nghẽn yếu thậm chí bị mất nhịp, nguy cơ tử vong cao.
- Người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, da nhợt nhạt, có thể xuất hiện tình trạng rối loạn màu sắc trên da.
- Bị rối loạn cảm giác vùng chân.
- Xảy ra tình trạng tóc khô, dễ gãy rụng, móng chân móng tay bị khô sùi.
Biến chứng tắc động mạch ngoại biên chi dưới
Một số biến chứng có thể xảy ra như:
- Thiếu máu chi dưới dẫn đến teo cơ, bị liệt, hoặc bị hoại tử chi, trường hợp xấu nhất là phải cắt cụt chi.
- Phình động mạch chủ bụng hay phình động mạch khoeodo sự cản trở lưu thông tuần hoàn máu.
- Biến chứng gây ảnh hưởng tới hệ tim mạch và các cơ quan khác trong cơ thể.
Phòng tránh bệnh tắc động mạch ngoại biên chi dưới
Có chế độ sinh hoạt lành mạnh và phù hợp
Tăng cường vận động cơ thể tùy theo sức khỏe của mình có thể giúp tăng lượng cholesterol tốt, giảm cholesterol xấu và ổn định huyết áp.
Có thể tập các bài tập như phù hợp: Tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ, …
Tránh căng thẳng, luôn giữ đời sống tinh thần vui tươi lành mạnh.
Áp dụng liệu pháp massage: Massage giúp cơ thể thư giãn và tuần hoàn máu tốt hơn. Các bạn có thể tự massage, nhờ người thân xoa bóp, đến các trung tâm trị liệu... hoặc đơn giản là trang bị ghế massage tại nhà để tiện mát xa - bấm huyệt mỗi ngày.
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
Chế độ ăn uống có vai trò quan trọng giúp ngăn ngừa bệnh xơ vữa động mạch chi dưới.
- Một số thức ăn nên hạn chế hoặc cần tránh:
Hạn chế ăn mỡ lợn, mỡ bò, mỡ gà…nên thay thế vào đó là dùng dầu thực vật như dầu lạc, dầu vừng;
Hạn chế ăn các loại thịt đỏ vì trong thịt này chứa nhiều cholesterol;
Hạn chế ăn trứng và tôm;
Tránh ăn các loại dầu dừa vì loại dầu này chứa nhiều acid béo bão hòa dễ gây nên hiện tượng xơ vữa động mạch;
Không nên ăn nội tạng động vật.
- Nên ăn:
Thức ăn có nguồn gốc từ đậu nành như đậu phụ;
Ăn nhiều cá vì trong mỡ cá có nhiều chất béo omega – 3 sẽ rất tốt cho thành động mạch; Ăn nhiều rau xanh và trái cây.