Gãy xương là một chấn thương nghiêm trọng, đòi hỏi thời gian tương đối dài để hồi phục. Sau một thời gian bất động dài thì người bệnh rất dễ gặp phải các vấn đề như teo cơ, cứng khớp, giảm biên độ vận động. Việc phục hồi chức năng thông qua vật lý trị liệu sẽ giúp người bệnh nhanh chóng trở lại với cuộc sống và công việc hàng ngày.
Trong nội dung dưới đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về Vật lý trị liệu sau gãy xương giúp phục hồi chức năng nhé.
Hiểu về phục hồi chức năng sau gãy xương
Y học gồm có 3 mảng là Phòng bệnh, Điều trị bệnh, và Phục hồi chức năng. Vật lý trị liệu sau gãy xương bao gồm việc chăm sóc toàn bộ hệ thống cơ – xương – khớp của người bệnh. Nó là một bộ phận rất quan trọng của Y học phục hồi chức năng.
Vật lý trị liệu giúp chăm sóc: Xương, cơ bắp, gân, dây chằng, khớp nối, cùng các mô liên kết. Sở dĩ như vậy là do sau khi bị gãy thì không chỉ xương bị tổn thương mà các bộ phận khác cũng bị ảnh hưởng theo.
Luyện tập phục hồi chức năng có tác dụng:
- Giảm đau và sưng, ổn định tuần hoàn máu, phòng ngừa dính khớp.
- Giúp xương mau liên, các phần mềm ở xung quanh xương gãy cũng nhanh trở lại trạng thái bình thường hơn.
- Duy trì khả năng vận động cho khớp, ngừa teo cơ.
- Phục hồi chức năng vận động cho người bệnh.
Các phương pháp vật lý trị liệu cho người sau điều trị gãy xương
Vật lý trị liệu có rất nhiều phương pháp khác nhau; Một số thường được sử dụng cho người sau điều trị gãy xương gồm:
Liệu pháp nhiệt
Gồm nhiệt nóng và nhiệt lạnh.
Nhiệt lạnh có công dụng giảm phù nề, giảm đau, thư giãn các cơ. Chườm lạnh có thể thực hiện ở thời điểm ngay sau khi vừa bị chấn thương cho tới khi không còn sưng đau. Thường 15 – 20 phút/lần, sau mỗi 2 – 3 giờ.
Nhiệt nóng có công dụng làm mềm cơ bị căng, tăng tuần hoàn máu đến vùng bị chấn thương. Người bệnh có thể sử dụng túi chườm nóng, parafin. Tuy nhiên, người được điều trị gãy xương mà có sử dụng các loại ốc vít kim loại thì không nên áp dụng phương pháp này. Ví nhiệt có thể làm các dụng cụ bị nóng, dễ gây viêm rò cũng như hỏng các tổ chức ở xung quanh.
Tập vận động khớp
Khi môt hay nhiều khớp bị bất động trong thời gian dài thì sẽ bị cứng do các sợi cơ co ngắn, bao khớp bị co rút, bao hoạt dịch tăng sản mỡ, sụn cũng bị mỏng đi. Bởi vậy, người bệnh cần chú ý tập cử động khớp để có thể tạo ra dịch nuôi dưỡng khớp, hỗ trợ quá trình phục hồi chức năng sau khi gãy xương thuận lợi hơn.
Bạn có thể áp dụng các bài tập co – duỗi khớp với tốc độ mỗi lần khoảng 45 giây, trong 10 15 phút, ngày 4 – 6 lần. Thời điểm bắt đầu có thể là từ ngày thứ 3 sau khi bó bột.
Trường hợp gãy xương chân người bệnh có thể sử dụng nạng để hỗ trợ.
Gia tăng lực cơ chi đau
Bệnh nhận được hướng dẫn tập tăng sức căng của các cơ thông qua cách gồng cơ: Giữ độ dài của bó cơ không đổi, khớp không cử động; Hoặc tập co cơ: Khớp cử động, cơ được co ngắn lại. Khi khớp còn đau nhiều thì nên tập căng cơ, còn khi đỡ đau hơn thì có thể bắt đầu tập co cơ.
Bên cạnh đó, phương pháp kéo giãn cũng giúp giảm đau, tăng lực cơ, hạn chế bị co cơ sau chấn thương khiến xương liền sai vị trí. Các chuyên gia sẽ sử dụng một lực kéo nhẹ nhưng liên tục và ổn định tại chỗ gãy xương.
Dùng xung điện hoặc sóng siêu âm
Nguyên tắc cơ bản của quá trình phục hồi sau gãy xương là kích thích vào các cơ quan cảm thụ tại da và cơ giúp cơ thể sản sinh các protein tham gia vào tạo xương mới.
Các chuyên gia trị liệu có thể sử dụng kích thích bằng dòng điện hoặc sóng siêu âm đi qua cơ thể để đạt được mục đích trên.
Phương pháp trị liệu khác
Một số biện pháp trị liệu khác cũng có thể được áp dụng, gồm:
- Tập sinh hoạt: Đi bộ, leo cầu thang, đứng lên, ngồi xuống… với người bị gãy chan. Tập cầm, nắm, mở bàn tay, lấy đồ vật… với người bị gãy tay. Thời gian thường từ 06 tháng tới 02 năm cho tới khi người bệnh không còn thấy đau khi thực hiện động tác.
- Massage: Liệu pháp massage bằng tay tại các mô mềm như cơ, gân, day chằng giúp giảm đau và căng cơ. Nếu bạn sử dụng các loại dầu và tinh dầu massage thì nên hỏi ý kiến bác sĩ. Việc sử dụng ghế massage sau khi liền xương cũng vậy, vì lúc này xương mới liền và đang còn yếu.
Việc áp dụng kỹ thuật trị liệu nào để phục hồi chức năng tốt nhất tùy thuộc vào vị trí gãy cũng như mức độ tổn thương. Bên cạnh đó người bệnh cũng được khuyên hạn chế các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, tăng cường các chất dinh dưỡng để cơ thể phục hồi tốt nhất !