Huyệt còn được gọi là huyệt đạo, huyệt vị, du huyệt, khổng huyệt… là một nơi trống rỗng nằm ở trên các đường kinh hoặc ngoài kinh, có tác dụng giúp cơ thể trao đổi năng lượng với bên ngoài. Huyệt được xem như những hồ rộng lớn trên những dòng sông ( hệ kinh lạc ). Theo đó, hồ có thể giúp điều tiết nước khi dòng sông bị tắc nghẽn.
Trên cơ thể có hàng trăm huyệt với tên gọi và chức năng khác nhau. Trong số đó có một số huyệt được đánh giá cao trong hiệu quả phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh. Trong nội dung dưới đây các bạn hãy cùng Okasa tìm hiểu về 8 huyệt đạo chính trên cơ thể, bao gồm vị trí, ý nghĩa, tác dụng khi thực hiện tác động (day - ấn – bấm - châm) nhé.
Huyệt Bách hội
Bách là trăm, hội là tập hợp. Trên cơ thể có 12 chính kinh, gồm 6 kinh âm và 6 kinh dương. Huyệt là nơi các kinh dương hội tụ nên có tên gọi là Bách hội.
Bách hội cùng với Toàn cơ và Dũng tuyền được xem là 3 huyệt đạo quan trọng nhất trên cơ thể.
Huyệt nằm ở chính giữa đỉnh đầu, ứng với thiên, là nơi hấp thụ thiên khí của trời, hay nói cách khác là thiên khí qua huyệt Bách hội để đi vào cơ thể.
Huyệt Bách hội có tác dụng hỗ trợ điều trị chứng đau nhức ở đầu, mất ngủ, hoa mắc, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, hay quên…
Có thể bấm huyệt trị liệu, châm cứu lên huyệt… Khi tác động thấy căng tức nặng là đúng vị trí huyệt.
Huyệt Hợp cốc
Hợp nghĩa là gặp nhau, cốc là cái hang. Huyệt ở vị trí gặp nhau của xương bàn tay 1 & 2 tạo thành chỗ hõm giống như cái hang nên có tên gọi Hợp cốc.
Đây là huyệt chủ của vùng đầu, mặt, có công dụng rất tốt trong việc điều trị các vấn đề sức khỏe ở vùng đầu mặt. Ngoài ra còn rất hiệu quả trong trị chứng mồ hôi tay.
Huyệt ở vị trí xương đốt bàn tay 1 & 2, ở trên mu bàn tay. Bạn vuốt dọc theo xương đốt bàn tay thứ 2 (ở phía ngón cái) đến điểm mắc chính là huyệt.
Huyệt Hợp cốc chứa nhiều sinh khí, có thể trị ngón hoặc bàn tay tê đau, méo miệng, đau đầu, đau răng, ngứa ở mắt, nghẹt mũi, ho, viêm họng, hoặc làm tăng cơ bóp ở tử cung (nên không hợp với phụ nữ có thai)…
Có thể thực hiện day bấm hoặc châm cứu tại huyệt này. Khi tác động đúng vị trí sẽ thấy xuất hiện cảm giác căng, tê như điện giật.
Huyệt Đản trung (Đàn trung)
Đản nghĩa là lớn, nhiều; Trung là ở giữa. Do huyệt nằm ở chính giữa của đường nối 2 núm vú, tương tự như cái cung điện của tâm nên có tên gọi là Đản trung.
Đản trung là huyệt hội của khí nên rất hiệu quả trong việc điều trị các bệnh về khí, khi thời tiết thay đổi. Trị đau tức ngực, khó thở, đau ở vùng tim, đau dây thần kinh liên sườn, nấc, hồi hộp, đánh trống ngực. Ngoài ra còn có tác dụng “gọi” sữa về cho các bà mẹ đang cho con bú.
Có thể áp dụng massage bấm huyệt, châm cứu lên huyệt Đản trung đến khi có cảm giác tức nặng (đôi khi lan cả vào trong ngực) là đúng vị trí. Khi thực hiện với đối tượng là trẻ em, xương ức còn yếu thì chỉ nên xoa bóp nhẹ nhàng, khi châm cứu cũng cần thật chú ý để kim không đâm xuyên qua xương ức và ảnh hưởng tới nội tạng bên trong.
Huyệt Cao hoang
Các thầy thuốc cổ truyền gọi các bệnh khó trị là bệnh nhập cao hoang.
Do huyệt có tác dụng hỗ trợ điều trị các chứng hư tổn nặng nên có tên gọi Cao hoang. Người xưa thường sử dụng huyệt trong dưỡng sinh; Day bấm hàng ngày có tác dụng nâng cao chính khí, phòng ngừa bệnh tật.
Huyệt nằm ở vị trí ngay dưới đốt xương sống lưng thứ tư (D4) đo ra 3 thốn (sát với bờ trong của xương bả vai).
Tác động lên huyệt có tác dụng giảm đau lưng trên, đau bả vai, khó thở, viêm phế quản, suy nhược thần kinh, các chứng gây suy nhược cơ thể như mông tinh và di tinh…
Khi thực hiện massage, bấm huyệt, châm cứu thấy tức nặng là đúng vị trí. Đối với châm cứu thì không nên châm sâu vì có thể châm vào phổi.
Hiện nay, có một số báo cáo ghi nhận việc massage bấm huyệt Cao hoang có tác dụng tăng cường lượng bạch cầu và hồng cầu.
Huyệt Quan nguyên
Quan là cửa, nguyên chỉ nguyên khí trong cơ thể. Vì là cửa của nguyên khí nên huyệt được gọi Quan nguyên.
Huyệt còn được gọ là Đan điền – môt trong những vùng quan trọng nhất của những người tập thiền và khí công (bạn nào yêu thích truyện, phim chưởng, dòng kiếm hiệp chắc đã quá quen với câu: “Khí tụ đan điền”.)
Đây là một trong 4 huyệt hội tụ khí âm dương ( gồm Quan nguyên, Trung quản, Thiên đột, Chí dương). Là huyệt có mối liên hệ với ruột non. Nên khi ruột non có trục trặc thì có thể chấn đoán và điều trị thông qua tác động vào huyệt Quan nguyên.
Vị trí huyệt từ rốn do xuống 3 thốn. Tác dụng trị đau bụng dưới, ăn không tiêu, trướng bụng, đầu hơi, di mộng tinh, sinh lý yếu, rối loạn tiêu hóa… Ngoài ra còn có tác dụng nâng cao đề kháng, bồi bổ cơ thể, tốt cho người suy nhược toàn thân.
Khi thực hiện xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu… có cảm giác căng tức tại chỗ, có khi lan xuống bộ phận sinh dục là đúng vị trí. Tuy nhiên, với những người bí tiểu và phụ nữ có thai thì không nên áp dụng. Người bình thường nên đi tiểu trước khi châm cứu huyệt này để tránh châm vào bàng quang.
Huyệt Mệnh môn
Mệnh là sinh mệnh, môn là cửa. Người xưa xem thận khí là gốc của cơ thể. Huyệt nằm ở giữa 2 huyệt thận du, được xem là cánh cửa quan trọng của sinh mệnh con người nên có tên gọi Mệnh môn.
Vị trí của huyệt nằm ở dưới mỏm gai của đốt sống lưng thứ hai (L2).
Tác động vào huyệt Mệnh môn có tác dụng làm sinh ra nhiệt lượng để làm ấm cơ thể. Ngoài ra còn bồi bổ thận, điều hòa khí – huyết, trị đau mỏi thắt lưng, thắt lưng bị cứng khiến khó vận động, giảm đau ở đầu, lạnh ở vùng thắt lưng, di mộng tinh, lạnh người mệt mỏi…
Khi xoa bóp, bấm huyệt, chấm cứu đúng vị trí huyệt sẽ thấy cảm giác căng tức như có một ngọn lửa đang cháy. Tuy nhiên, cần chú ý không châm quá sâu vì có thể ảnh hưởng đến tủy sống.
Huyệt Túc tam lý
Túc là chân, còn tam lý có nhiều cách diễn giải khác nhau. Nhưng thú vị nhất có lẽ là nếu tác động vào huyệt sẽ giúp đi bộ được hơn 3 dặm (lý) mà không mỏi nên được gọ là Túc tam lý.
Huyệt có tác dụng đưa khí xuống dưới cơ thể, nâng cao và phục hồi dương khí, hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến tiêu hóa, đau dạ dày, rố, loạn tiêu hóa, chứng ợ nấc, đau cẳng chân… hiệu quả.
Xoa bóp – bấm huyệt – chấm cứu đúng vị trí sẽ thấy cảm giác căng tức tại chỗ, hoặc có thể lan xuống ngón chân thứ hai. Trẻ dưới 7 tuổi không nên châm cứu huyệt này.
Huyệt Dũng tuyền
Dũng là mạnh mẽ, tuyền là khe suối. Huyệt nằm ở khe lòng bàn chân, tương tự như khe suối nên có tên gọi Dũng tuyền.
Vị trí Dũng tuyền ở chỗ lóm của lòng bàn chân với khe bàn chân. Huyệt là nơi hấp thụ và trao đổi với địa khí.
Tác động vào huyệt có tác dung với người bị đau gan bàn chân, bàn chân quá nóng hoặc quá lạnh, mất ngủ, ho…
Xoa bóp bấm huyệt, chấm cứu đúng vị trí sẽ có cảm giác căng tức ở toàn bộ bàn chân.
Trên đây là 8 huyệt đạo chính trên cơ thể, có rất nhiều tác dụng trong phòng ngừa và hỗ trợ và điều trị bệnh nếu được tác động đúng cách. Các bạn có thể đến các trung tâm trị liệu để được chăm sóc đúng cách. Hoặc có thể tham gia một khóa học xoa bóp – bấm huyệt để có thể tự thao tác tại nhà.