Tình trạng rung nhĩ cũng là một trong những nguyên nhân liên quan đến các bệnh lý suy tim, khiến người bệnh mệt mỏi, khó thở, hồi hộp chóng mặt… Theo số liệu thống kê, bệnh rung nhĩ gây ra khoảng 25% các trường hợp đột quỵ não, do vậy nếu rung nhĩ không được điều trị và theo dõi nó sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bệnh rung nhĩ là gì?
Tình trạng rung nhĩ xảy ra khi nút xoang đánh mất vai trò chủ nhịp của nó bởi có sự xuất hiện của các ổ phát nhịp tự phát ở hai buồng nhĩ.
Qua quan sát, hoạt động co bóp phát nhịp là rung tâm nhĩ, lúc này các nhát bóp bị yếu đi và không đồng bộ, đồng thời máu xuống tâm thất cũng không đủ để đi nuôi cơ thể.
Rung nhĩ chính là một dạng rối loạn nhịp tim trên thất khá phổ biến. Nếu ở người bình thường, nút chủ nhịp của tim là nút xoang có vị trí nằm ở thành tâm nhĩ phải, ngay chỗ đổ vào của tĩnh mạch chủ trên. Cơ quan này chịu trách nhiệm phát xung động điện thế và dẫn truyền chúng theo các bó sợi đến từng tế bào cơ tim giúp quả tim hoạt động nhịp nhàng và đồng bộ. Tuy nhiên, khi xảy ra tình trạng rung nhĩ sẽ khiến nút xoang đánh mất chức năng kiểm soát nhịp của mình, lúc này tâm nhĩ sẽ hoạt động không bình thường khiến tim co bóp không hiệu quả.
Trường hợp nguy hiểm đó là khi xảy ra rung nhĩ có thể khiến dòng máu trong tâm nhĩ không được tống xuống thất hoàn toàn, nó sẽ bị lưu chuyển quanh co trong tâm nhĩ, điều này làm tăng đông máu và hình thành các cục máu đông nhỏ trong tim dẫn tới biến chứng nguy hiểm như làm tắc mạch máu não gây đột quỵ hoặc tắc mạch máu phổi gây tử vong.
Dấu hiệu nhận biết rung nhĩ trên lâm sàng
Rất nhiều người bị rối loạn nhịp tim nhưng lại không có bất kỳ một triệu chứng lâm sàng nào, kể cả trường hợp bị rung tâm nhĩ.
Có thể thấy triệu chứng lâm sàng của rung nhĩ khá đa dạng, nó có sự thay đổi tùy thuộc vào lứa tuổi cũng như bệnh lý nền gây ra rung tâm nhĩ.
Những triệu chứng thường gặp của rung nhĩ đó là:
Người bệnh có cảm giác chóng mặt, cơ thể mệt mỏi;
Nhịp thở nông, thường bị hụt hơi;
Luôn có cảm giác hồi hộp và đánh trống ngực;
Có thể cảm nhận được tim đập nhanh và đập mạnh trong lồng ngực;
Xuất hiện cơn đau ngực hoặc cảm thấy nặng ngực;
Khi bắt mạch sẽ thấy mạch đập nhanh và đập không đều.
Phương pháp chẩn đoán rung nhĩ và biến chứng thường gặp
Chẩn đoán rung nhĩ
Các bác sĩ thường chẩn đoán rung nhĩ qua khai thác bệnh sử của người bệnh, qua các triệu chứng lâm sàng và kết hợp với các phương tiện cận lâm sàng. Các yếu tố này có ý nghĩa định hướng và gợi ý cho chẩn đoán về sự rối loạn nhịp tim.
Đối với phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng thì điện tâm đồ là phương tiện được sử dụng đầu tiên trong chẩn đoán các rối loạn nhịp tim, bao gồm cả tình trạng rung nhĩ.
Biến chứng của rung nhĩ
Biến chứng thường gặp nhất đó là rung nhĩ có thể hình thành cục máu đông. Khi máu đông được đưa vào tuần hoàn đến các cơ quan khác trong cơ thể gây ra bệnh lý nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh.
Nếu cục máu đông làm tắc các mạch máu não có thể gây đột quỵ;
Máu đông làm tắc mạch vành sẽ gây nhồi máu cơ tim;
Gây nhồi máu phổi nếu các mạch máu phổi bị nghẽn bởi những cục máu đông.
Phương pháp ngăn ngừa huyết khối ở bệnh nhân rung nhĩ
Người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc chống đông đường uống. Thuốc chống đông sẽ ngăn cản quá trình tạo cục máu đông nhờ vào tác dụng trực tiếp lên dòng thác đông máu.
Tuy nhiên cần lưu ý thuốc chống đông cần được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi sử dụng để tránh nguy cơ chảy máu.
Để chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe tim mạch nói riêng các bạn nên xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, luyện tập thường xuyên, kết hợp với massage trị liệu, giữ cho tâm trạng được thoải mái.