Mạch đập phản ánh tình trạng sức khỏe của con người. Khi mạch đập có số đo bình thường nghĩa là tình trạng sức khỏe của con người đang rất tốt.
Mạch đập ở mỗi độ tuổi là khác nhau
- Đối với trẻ sơ sinh: mạch đập 120 - 140 lần/phút;
- Ở trẻ 1 tuổi: mạch đập 100 - 130 lần/phút;
- Đối với trẻ từ 5 - 6 tuổi: mạch đập 90 - 100 lần/phút;
- Lứa tuổi từ 10 - 15 tuổi: mạch đập 80 - 90 lần/phút;
- Đối với người lớn: mạch đập 60 - 80 lần/phút;
- Người già: mạch đập 60 - 70 lần/phút.
Các yếu tố ảnh hưởng đến mạch đập
- Yếu tố giới tính: Thông thường ở phụ nữ sẽ có nhịp mạch đập nhanh hơn ở nam giới khoảng 7 - 8 lần/1 phút.
- Yếu tố tuổi tác: Tần suất mạch đập bình thường sẽ giảm dần theo tuổi tác, trẻ sơ sinh sẽ có số đo mạch đập cao nhất, tuổi càng cao mạch đập càng thấp.
- Yếu tố thời gian: Thông thường, mạch đập ở buổi chiều sẽ nhanh hơn ở buổi sáng.
- Yếu tố ăn uống: Tần suất mạch đập sẽ tăng lên sau khi ăn uống do quá trình chuyển hóa trao đổi chất tăng.
- Khi vận động và tập luyện: Khi một người bình thường vận động hoặc luyện tập thể dục thì nhịp đập mạch sẽ tăng lên do tim co bóp nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể tiêu hao.
- Yếu tố tâm lý, cảm xúc: Khi một người gặp tình huống xúc động thì tần suất mạch đập thường tăng lên.
- Do sử dụng thuốc: Đặc tính của một số loại thuốc khi sử dụng sẽ kích thích và có thể khiến mạch đập nhanh hơn. Ngược lại cũng có loại thuốc như thuốc an thần lại có thể làm giảm tần suất mạch đập.
Khi nào tần suất mạch đập đạt tối đa?
Phụ thuộc vào độ tuổi và giới tính mà tần suất mạch đập có thể đạt tối đa.
- Đối với phụ nữ, tần suất mạch đập tối đa đạt được là kết quả của 226 trừ đi số tuổi.
- Ở nam giới, tần suất mạch đập tối đa sẽ là kết quả của 220 trừ đi số tuổi người đó.
Tần suất mạch đập:
- Mạch đập nhanh là khi số đo mạch > 100 lần/phút
- Mạch đập chậm khi số đo mạch < 60 lần/phút.
- Mạch đập so le, sẽ có lúc mạnh lúc yếu.
- Mạch đập nghịch: thường xảy ra ở người bị bệnh tràn dịch màng tim.
- Mạch đập cứng và khó bắt: thường xuất hiện ở người bị xơ vữa động mạch.
- Mạch đập yếu và khó bắt: thường gặp ở những người bị bệnh nặng, hoặc khi bị sốc.
* Những tính chất của mạch cần nhận định khi bắt mạch là: Tần số; Nhịp điệu; Cường độ; Sức căng của mạch và Yếu tố liên quan giữa mạch với nhiệt độ.
Tính chất của mạch đập là gì?
Tần số mạch bình thường
- Mạch ở tần số bình thường đối với người lớn là 70 - 80 chu kỳ/phút.
- Tần số mạch nhanh: sẽ có tần số mạch > 90 chu kỳ/phút. Mạch nhanh thường xảy ra đối với những người bị các bệnh nhiễm khuẩn, người mắc bệnh tim,...
- Mạch chậm: là khi tần số mạch < 60 chu kỳ/phút. Tình trạng mạch chậm thường xuất hiện ở người bị bệnh tim, bị ngộ độc, bị vàng da ứ mật...
Nhịp điệu mạch
Nhịp điệu chính là khoảng cách giữa các lần đập của mạch
- Nhịp điệu bình thường: nghĩa là khoảng cách giữa các lần đập sẽ bằng nhau, với sức đập đều đặn, nhịp đập đều.
- Nhịp điệu không đều: là khi khoảng cách giữa các lần đập khác nhau, sức đập cũng khác nhau.
Nhịp điệu không đều xảy ra khi chúng ta trong trạng thái tăng xúc cảm hoặc sợ hãi, cũng có thể trong các trường hợp bị tổn thương bệnh lý ở tim.
- Tình trạng loạn nhịp ngoại tâm thu: là khi mạch đang đập đều thì xen kẽ có một lần mất mạch rồi đập lại bình thường.
- Mạch bị loạn nhịp hoàn toàn: là tình trạng mạch đập không theo một quy tắc nào, có thể lúc nhanh, lúc lại chậm, lúc thì mạnh, có lúc lại yếu.
=> Lưu ý: khi mạch có biểu hiện loạn nhịp cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết để có biện pháp xử lý kịp thời.
Cường độ mạch đập
- Mạch đập với cường độ mạnh đều: là các lần mạch đập có sức mạnh vàđều như nhau. Tình trạng này thường xảy ra đối với người tăng huyết áp chưa có biến chứng...
- Mạch đập yếu đều: là các lần mạch đập có sức yếu nhưng đều nhau. Thường gặp ở những người bị bệnh xuất huyết, bị mất nước…
- Mạch như sợi chỉ: là tình trạng mạch đập vừa yếu, vừa không đều. Tình trạng mạch đập này thường gặp ởngười hấp hối.
- Mạch nảy: là mạch đập nảy mạnh và xẹp nhanh. Thường xảy ra ở người bị hở van động mạch chủ.
- Cường độ mạch đập lúc mạnh, lúc yếu: thường gặp khi bị loạn nhịp hoàn toàn.
Sức căng của mạch
Chính là tính co giãn của động mạch, ở người bình thường sẽ có thành động mạch mềm, nhẵn và sức co giãn tốt.
Ở những người mắc một số bệnh lý như tăng huyết áp hoặc xơ vữa động mạch thì mạch trở nên cứng và mất khả năng co giãn.
Mối liên hệ giữa mạch và nhiệt độ
- Ở người trưởng thành: khi nhiệt độ cơ thể ở mức 37 độ C sẽ tương ứng với mạch 70 chu kỳ/phút.
- Khi bị sốt do nhiễm khuẩn: nhiệt độ cơ thể tăng thì mạch cũng tăng theo. Nếu nhiệt độ cơ thể ở mức 39 độ C mạch sẽ tương ứng là 100 - 110 chu kỳ/phút.
- Khi mạch không tăng song song cùng nhiệt độ sẽ được gọi là phân ly giữa mạch và nhiệt độ.
Nhìn chung, khi mạch đập ổn định thì cơ thể khỏe mạnh, mạch đập rối loạn thì cơ thể dễ bị mắc bệnh. Để giữ cho cơ thể khỏe mạnh, việc xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế chất kích thích là cần thiết. Bên cạnh đó nên thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, giữ cho tâm trạng được thoải mái, thư giãn.
Các bạn có thể kết hợp với liệu pháp massage để chăm sóc sức khỏe. Các loại ghế massage được trang bị hệ thống con lăn 4D, nhiệt hồng ngoại, rung massage, túi khí toàn thân có khả năng trị liệu và thư giãn rất tốt!