Bệnh cao huyết áp thường gặp nhiều ở những người cao tuổi, tuy nhiên ngày nay tăng huyết áp đang có dấu hiệu xảy ra ở cả giới trẻ. Cao huyết áp có diễn biến thầm lặng nhưng có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Do vậy, hiểu về bệnh và có phương pháp phòng ngừa là cách tốt nhất để tránh những rủi ro mà bệnh cao huyết áp gây ra.
Tăng huyết áp nguy hiểm như thế nào?
Tăng huyết áp không chỉ làm tăng áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch mà nó còn kéo theo những nguy hại trực tiếp tới tim và động mạch. Khi bị tăng huyết áp nếu để kéo dài mà không theo dõi, kiểm soát tốt có thể sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm như các bệnh về tim mạch, bệnh thận và đột quỵ.
Một số biến chứng điển hình gây hại nặng nề cho sức khỏe của người bệnh do tăng huyết áp gây nên: Người bệnh bị đau thắt ngực; Bị nhồi máu cơ tim, suy tim; Biến chứng làm nhũn não, xuất huyết não; Ảnh hưởng tới thị giác gây mờ mắt; Mắc bệnh động mạch ngoại vi, phình tách thành động mạch...
Bản chất của tăng huyết áp là bệnh nguy hiểm bởi nó thường diễn biến âm thầm, không báo trước, không có triệu chứng rõ ràng. Rất nhiều trường hợp, người bệnh bị tăng huyết áp trong thời gian dài mà không biết, tới khi phát hiện thì bệnh đã gây biến chứng nguy hiểm tới tính mạng hoặc bị tàn phế suốt đời.
Thậm chí có người chỉ cảm thấy đau đầu, tới khi phát hiện bệnh thì đã bị xuất huyết não và gặp khó khăn khi cứu chữa.
Nguyên nhân tăng huyết áp
Mặc dù không có triệu chứng rõ ràng, không có nguyên nhân cụ thể nhưng tăng huyết áp lại có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh, trong đó phải kể tới những yếu tố như:
- Yếu tố tuổi tác: tăng huyết áp thường xảy ra ở người cao tuổi
- Do chế độ ăn uống không khoa học: ăn nhiều mỡ, nhiều muối, ít rau xanh…
- Do thói quen sinh hoạt không lành mạnh: hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia
- Ít luyện tập thể dục
- Do tình trạng thừa cân, béo phì;
- Thường xuyên căng thẳng quá mức;
- Những người mắc các bệnh lý như: bệnh thận, nội tiết, bệnh tim mạch,
- Người có tiền sử gia đình có người bị tăng huyết áp...
Tuy nhiên, phần lớn những yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp đều có thể điều chỉnh được. Do vậy, thay đổi lối sống sẽ giúp kiểm soát tốt tình trạng tăng huyết áp.
Phòng ngừa tăng huyết áp
Tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm, song chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được tình trạng huyết áp nếu thay đổi yếu tố nguy cơ và tuân thủ nghiêm ngặt phương pháp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Cùng tham khảo một số lời khuyên của bác sĩ để giúp bạn có thể phòng ngừa và giảm thiểu mắc bệnh tăng huyết áp:
Giảm cân ở những người thừa cân, béo phì
Thực tế cho thấy rất nhiều người thừa cân, béo phì mắc bệnh cao huyết áp. Đặc biệt, nữ giới có vòng bụng > 85cm và vòng bụng nam giới > 95cm là những người sẽ có nguy cơ cao bị bệnh tăng huyết áp
Do vậy, hãy giữ cho mình trọng lượng cơ thể ở mức cho phép. Nếu thừa cân, cần có chế độ ăn uống và luyện tập để giảm cân. Thông thường khi người béo phì giảm cân thì chỉ số huyết áp cũng giảm đáng kể và tình trạng sức khỏe cũng tốt hơn.
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
Chế độ ăn uống để phòng tránh bệnh cao huyết áp là: Ăn nhiều hoa quả, rau củ và ngũ cốc thô như gạo lứt, các loại đậu... Ăn thực phẩm nhiều chất xơ; Ăn các loại thức ăn ít mỡ; Khi ăn thịt gia cầm cần bỏ da; Nên ăn thịt nạc, cá hồi, cá trích... sẽ rất tốt cho người cao huyết áp vì nó giàu omega 3; Ăn các chế phẩm từ sữa như sữa chua;
Tránh ăn: Các loại thịt đỏ như thịt heo, thịt bò..., lòng đỏ trứng, nội tạng động vật; Không ăn các loại thức ăn nhanh; Không ăn thực phẩm ăn sẵn, đồ chiên rán; Hạn chế uống các loại nước ngọt có ga; Giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Luyện tập thể lực thường xuyên
Trong việc điều trị cao huyết áp, luyện tập thể lực hàng ngày là một phần không thể thiếu.
Luyện tập thể dục giúp cơ thể dẻo dai, giữ cân nặng ở mức lý tưởng, huyết áp cũng hạ đáng kể.
Xây dựng chế độ luyện tập thường xuyên và đều đặn, mỗi ngày hãy dành ra ít nhất 30 phút, ít nhất 5 ngày/tuần để luyện tập thể lực với các bài tập phù hợp.
Sau khi tập luyện các bạn nên áp dụng liệu pháp massage (tự xoa bóp bấm huyệt hoặc sử dụng ghế massage tại nhà) để thư giãn và chăm sóc sức khỏe.
Thay đổi những thói quen xấu
- Không hút thuốc lá để tránh nguy cơ tăng huyết áp: Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hút thuốc lá nhiều sẽ gây nguy cơ mắc các bệnh lý về huyết áp và tim mạch. Người bị tăng huyết áp nếu hút thuốc lá sẽ có nguy cơ cao bị biến chứng tim mạch.
- Không uống rượu nhiều quá mức: Hạn chế uống rượu để tránh nguy cơ béo phì, người béo phì sẽ có nguy cơ cao bị tăng huyết áp và biến chứng tim mạch.
- Tránh căng thẳng giúp giảm nguy cơ cao huyết áp: Căng thẳng thường xuyên sẽ khiến huyết áp tăng cao, khi huyết áp tăng cao quá mức sẽ có nguy cơ biến chứng tim mạch.
- Ngủ đủ giấc và ngủ đúng giờ.