Khi người trưởng thành mắc bệnh béo phì sẽ gây ảnh hưởng và có nguy cơ mắc một loạt các bệnh lý cơ xương khớp. Vì vậy, để cải thiện triệu chứng cũng như chức năng xương khớp thì việc giảm cân là điều quan trọng và vô cùng cần thiết.
Thừa cân, béo phì gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ xương khớp
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa bệnh béo phì với một số bệnh đi kèm như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, tình trạng tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ và một số loại ung thư… Thừa cân và béo còn được chứng minh có liên quan đến tình trạng đau đầu tái phát và mãn tính không chỉ ở người trưởng thành mà còn ở cả thanh thiếu niên.
Ngoài ra, khi chỉ số khối cơ thể tăng lên sẽ trở thành yếu tố ảnh hưởng tới các triệu chứng của rối loạn cơ xương và tăng tỷ lệ viêm khớp, đau thắt lưng ở người béo phì. Do vậy, việc giảm cân là rất cần thiết khi nó liên quan tới một loạt các bệnh lý về cơ xương khớp. Giảm cân cũng chính là giúp cải thiện các triệu chứng và chức năng của bệnh cơ xương khớp.
Theo một số nghiên cứu, mức độ béo phì có mối liên quan đáng kể tới tình trạng rối loạn cơ xương. Đặc biệt, ngày nay tỉ lệ dân số già ngày càng tăng nên các bệnh liên quan tới cơ xương khớp mãn tính càng nhiều. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh mà nó còn đi kèm nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác.
Những tác hại thường gặp của béo phì đối với cơ xương khớp
Béo phì gây viêm xương khớp
Thoái hóa khớp là một dạng viêm khớp xảy ra khá phổ biến và trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật mãn tính ở người cao tuổi. Trong đó, một số nghiên cứu đã đưa ra kết luận béo phì là yếu tố nguy cơ đáng kể làm phát triển trình trạng viêm khớp gối - xương đùi, sau nữa là các vị trí khác như khớp háng, bàn tay và xương chậu - xương đùi.
- Gây viêm khớp gối
Béo phì là một trong những nguyên nhân quan trọng tác động vào sự tiến triển của viêm khớp gối, đồng thời gây ảnh hưởng không tốt tới khớp gối. Theo số liệu thống kê, một số người bệnh bị tràn dịch khớp gối khi chụp X-quang đã cho thấy có mối liên hệ tới chỉ số khối cơ thể, nhất là ở những người bị lệch khớp.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra khi chỉ số BMI lớn hơn có thể khiến kích thước xương dưới sụn đầu gối lớn hơn, điều này nhằm đáp ứng tải trọng cơ thể. Chỉ số BMI cao hơn còn làm tăng nguy cơ tổn thương thoái hóa sụn chêm, góp phần vào nguyên nhân của thoái hóa khớp.
- Người béo phì có nguy cơ cao bị viêm khớp háng
Theo số liệu của các nghiên cứu cho thấy béo phì có mối liên quan chặt chẽ với viêm khớp háng, đặc biệt là tình trạngviên cả 2 bên nhiều hơn là viêm khớp háng một bên. Điều này được thể hiện rõ khi thực hiện chẩn đoán lâm sàng và kết quả chụp X-quang.
Béo phì gây ra bệnh Gout
Hiện nay, tỷ lệ nam giới ở nước ta mắc bệnh gout ngày càng gia tăng. Đây là bệnh lý có liên quan đến quá trình chuyển hóa purin trong cơ thể, nồng độ acid uric vượt quá độ bão hòa sẽ gây ra tình trạng sưng và các cơn đau cấp ở khớp cũng như xung quanh khớp.
Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc tăng acid uric trong máu ở những người mắc bệnh béo phì sẽ càng làm tỷ lệ mắc bệnh gout tăng cao. Axit uric chính là sản phẩm cuối cùng trong quá trình phân giải purin. Khi nồng độ acid uric tăng cao và kéo dài sẽ gây lắng đọng tinh thể urat sodium tạo sụn khớp và màng hoạt dịch khớp. Các vi tinh thể này có thể bị đứt, gãy và giải phóng trong gầm của khớp. Khi gây viêm, nó sẽ tạo phản ứng sốt, kèm theo sưng và đau cấp tính tại khớp.
Cơn đau do gout có thể kéo dài vài ngày. Tuy nhiên, sau nhiều cơn gout cấp xảy ra trong thời gian dài sẽ gây tổn thương khớp mãn tính và được gọi là bệnh gout mãn tính. Gout thường xảy ra ở các vị trí như bàn chân, mỏm khuỷu tay, bàn tay...
Trong đó, béo phì là một trong những tiêu chuẩn của hội chứng chuyển hóa. Nguyên nhân là do tình trạng giảm thải acid uric có liên quan đến hội chứng chuyển hóa và giảm phân số thải acid uric ở thận. Vì thế, khi người béo phì có chế độ ăn giàu purin, nhất là đối với trường hợp nam giới uống quá nhiều rượu, tăng sản xuất acid uric sẽ khiến bệnh gout càng trở nên trầm trọng.
Để điều trị bệnh gout ở người béo phì, cần lưu ý chế độ ăn giảm cân, đặc biệt cần hạn chế uống bia, rượu. Ngoài ra, không ăn các loại thực phẩm giàu chất purin, cũng như thức ăn gây rối loạn lipid máu. Mỗi ngày nên uống khoảng 500 ml nước khoáng giàu bicarbonate. Thực hiện chế độ tập luyện để đưa cân nặng về mức cho phép, đồng thời kiểm soát tốt acid uric, các thành phần lipid máu ở mức sinh lý của cơ thể.