Nguyên nhân đầu tiên gây ra bệnh béo phì bắt nguồn từ chế độ dinh dưỡng quá dư thừa cùng lối sống ít vận động. Ngày nay, bệnh béo phì đang ngày càng trở nên phổ biến và gây hệ lụy tới sức khỏe con người, đặc biệt là ở nhóm người cao tuổi. Béo phì gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Người cao tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh béo phì
Ở nhóm người cao tuổi, sự chuyển hóa trao đổi chất trong cơ thể sẽ giảm, đồng thời khả năng tiếp nhận năng lượng cũng ít hơn so với người trẻ. Đây chính là một trong những nguyên nhân thúc đẩy nguy cơ gây ra bệnh béo phì ở người cao tuổi.
Khi con người bước vào độ tuổi càng cao, các cơ teo lại làm giàm đi năng lượng cần thiết để duy trì hoạt động của cơ thể. Điều này đồng nghĩa, khi cơ thể được cung cấp dư thừa năng lượng, nó sẽ gây ra tình trạng thừa cân và bệnh béo phì.
Một yếu tố nữa đó là ở người cao tuổi, tốc độ chuyển hóa cơ bản trong cơ thể đã bị suy giảm, kể cả quá trình bài tiết các enzym tiêu hóa cũng bị giảm, gây thiếu hụt một số vi chất và cũng trở thành nguyên nhân dễ gây ra bệnh béo phì.
Ngoài ra, người cao tuổi thường có chế độ ăn nhiều đạm, giàu chất dinh dưỡng, tuy nhiên nhóm đối tượng này lại ít vận động cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì.
Bệnh béo phì gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng tới sức khỏe
Khi bi béo phì, cơ thể người bệnh sẽ mất cân đối, mọi vận động sẽ trở nên nặng nề và chậm chạp. Béo phì gây tác hại tới sức khỏe người bệnh, làm giảm năng suất lao động cũng như chất lượng cuộc sống.
- Béo phì gây ra các bệnh lý xương khớp
Những người bị bệnh béo phì cũng rất dễ mắc các bệnh như thoái hóa khớp, loãng xương, đau nhức triền miên…Nguyên nhân là do trọng lượng cơ thể quá nặng đã gây áp lực lên xương khớp. Trong đó, khớp gối, cột sống sẽ là nơi bị tổn thương sớm nhất. Ngoài ra, người thừa cân béo phì cũng có nguy cơ cao mắc bệnh gout.
- Người béo phì dễ bị các bệnh lý tim mạch
Người bệnh béo phì thường mắc kèm tình trạng rối loạn lipid máu hoặc cholesterol cao. Đây là những yếu tố nguy cơ đột quỵ, tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim. Mặt khác, khi trọng lượng cơ thể quá nặng sẽ khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi nuôi cơ thể, lâu dần sẽ khiến người béo phì mắc các bệnh liên quan tới tim mạch.
- Nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường
Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh mối liên hệ mật thiết giữa bệnh béo phì và bệnh tiểu đường type 2 do gây đề kháng insulin. Đây chính là yếu tố trực tiếp gây ra đái tháo đường type 2 ở người béo phì.
- Bệnh béo phì gây ra các bệnh lý về đường tiêu hóa
Khi bị béo phì, lượng mỡ dư thừa sẽ bám vào các quai ruột và gây táo bón, thậm chí là gây bệnh trĩ. Ngoài ra, phân và các chất thải độc hại sinh ra trong quá trình chuyển hóa bị ứ đọng lại dễ sinh bệnh ung thư đại tràng.
Mỡ thừa tích tụ ở gan gây bệnh gan nhiễm mỡ, nếu không được điều trị sẽ gây xơ gan.
Sự rối loạn chuyển hóa mỡ có thể gây sỏi mật.
- Làm suy giảm trí nhớ
Theo số liệu của một số nghiên cứu, những đứa trẻ thừa cân béo phì thường có chỉ số thông minh thấp hơn trẻ có cân nặng bình thường. Đối với người cao tuổi, béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
- Béo phì gây bệnh cho đường hô hấp
Người bệnh béo phì thường bị hạn chế hoạt động của cơ hoành, khí phế quản do bị lượng mỡ thừa bám vào. Vì vậy, người béo phì thường bị rối loạn nhịp thở, ngủ ngáy, ngừng thở khi ngủ...
- Béo phì làm giảm tuổi thọ
Một số nghiên cứu đã đưa ra kết luận, bệnh béo phì có thể làm giảm từ 6 - 8 năm tuổi thọ của người bệnh.
- Gây rối loạn nội tiết
Trường hợp phụ nữ bị bệnh béo phì thường gặp một số tình trạng như rối loạn kinh nguyệt, buồng trứng đa nang, khó có thai và nguy cơ vô sinh cao.
Nam giới mắc bệnh béo phì thường bị yếu sinh lý và nguy cơ vô sinh cũng khá cao.
- Người bệnh béo phì có nguy cơ cao bị ung thư
Một số nghiên cứu đã chỉ ra người béo phì dễ mắc một số loại ung thư như: Ung thư thực quản, ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư trực tràng,ung thư gan mật và ung thư tuyến tiền liệt.
Phương pháp phòng tránh béo phì ở người cao tuổi
Vận động đúng cách là một trong những phương pháp phòng tránh béo phì ở người cao tuổi. Tuy nhiên, đây là nhóm người dễ mắc các bệnh lý liên quan tới tim mạch, cơ xương khớp. Vì vậy, trước khi luyện tập hãy kiểm tra sức khỏe tổng quát, tham khảo ý kiến từ bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe để được tư vấn bài tập phù hợp nhất. Sau khi tập luyện có thể kết hợp với massage trị liệu hoặc sử dụng ghế massage để thư giãn, tăng cường sức khỏe.
Người cao tuổi có sự suy giảm chức năng nên hoạt động thể lực, vì thế có thể chỉ cần đơn thuần là những thay đổi tư thế trong sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như đi lại di chuyển chậm rãi, nhẹ nhàng cũng rất tốt cho sức khỏe.
Hàng tháng, người cao tuổi cũng nên theo dõi chỉ số BMI để có hướng kiểm soát cân nặng và có sự điều chỉnh sao cho phù hợp.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần là điều cần thiết giúp hạn chế các yếu tố liên quan tới bệnh béo phì, tránh những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.