Khi tiến hành làm phẫu thuật, hầu hết đều có thể xảy ra rủi ro, kể cả trường hợp các công đoạn được tiến hành đúng cách. Tình trạng huyết áp tăng sau phẫu thuật là rất phổ biến và được xếp vào hàng rủi ro cao. Vậy huyết áp tăng sau phẫu thuật là gì? Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng tăng huyết áp…chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Thế nào là tăng huyết áp sau phẫu thuật?
Khi thực hiện phẫu thuật, người bệnh có thể gặp tình trạng huyết áp tăng cao hoặc gặp biến chứng sau phẫu thuật tùy thuộc vào loại phẫu thuật, thuốc gây mê hoặc trước đó người bệnh có bị bệnh huyết áp cao hay không.
Sau phẫu thuật, khi người bệnh có huyết áp tâm thu > 190 mmHg hoặc huyết áp tâm trương > 100 mmHg hoặc cũng có thể xảy ra cả hai trường hợp trên thì được gọi là tăng huyết áp sau phẫu thuật. Khi tình trạng tăng huyết áp xảy ra, người bệnh cần được điều trị ngay lập tức.
Huyết áp chính là áp lực của dòng máu tác động lên thành động mạch để đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể.
Chỉ số đo huyết áp gồm: Huyết áp tối đa hay còn gọi là huyết áp tâm thu; Huyết áp tối thiểu hay còn gọi là huyết áp tâm trương.
Chỉ số huyết áp bình thường của người lớn sẽ có huyết áp tâm thu/huyết áp tâm trương = 120/80 mmHg.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đã chia kết quả đo huyết áp thành 3 nhóm đó là:
- Nhóm huyết áp trong phạm vi lý tưởng: Huyết áp tâm thu <120mmHg và huyết áp tâm trương<80mmHg
- Nhóm tiền tăng huyết áp: Huyết áp tâm thu khoảng 120 - 129 mmHg và huyết áp tâm trương <80 mmHg;
- Nhóm tăng huyết áp: Huyết áp tâm thu >130 mmHg hoặc huyết áp tâm trương >80 mmHg.
Theo nghiên cứu thì khi thực hiện phẫu thuật tim và các phẫu thuật liên quan đến những động mạch chủ, người bệnh sẽ có nguy cơ cao bị tăng huyết áp sau phẫu thuật, nhất là những người đã có tiền sử bị tăng huyết áp. Do vậy, trước khi tiến hành phẫu thuật cần kiểm soát tốt tình trạng huyết áp của bệnh nhân.
Nguyên nhân gây tăng huyết áp sau phẫu thuật
Những nguyên nhân có thể gây ra tình trạng huyết áp cao sau phẫu thuật:
Do người bệnh ngừng sử dụng thuốc huyết áp
Khi cơ thể người bệnh đã quen với các loại thuốc giảm huyết áp, thì việc dừng thuốc đột ngột có thể khiến huyết áp tăng lại ngay lập tức. Vì vậy, trước khi tiến hành phẫu thuật, nếu người bệnh có dùng bất kỳ loại thuốc nào cũng cần thông báo chi tiết với bác sĩ phẫu thuật để có phương án xử lý và người bệnh cũng không nên lo lắng về tình trạng huyết áp của mình khi tiến hành phẫu thuật.
Huyết áp tăng do mức độ của các cơn đau
Trong quá trình phẫu thuật, nếu người bệnh phải chịu đau đớn sẽ có thể khiến huyết áp tăng cao hơn mức bình thường. Tuy nhiên, sau khi người bệnh được dùng thuốc giảm đau thì tình trạng huyết áp sẽ trở lại bình thường.
Sử dụng thuốc gây mê
Huyết áp có thể bị ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình gây mê do hệ hô hấp của một số người bệnh khá nhạy cảm với ống thở. Tình trạng này khiến nhịp tim bị kích thích làm cho huyết áp tăng tạm thời. Ngoài ra, quá trình phục hồi sau gây mê, nhiệt độ cơ thể người bệnh, lượng dịch truyền tĩnh mạch nhiều… cũng có thể khiến huyết áp tăng.
Mức oxy ảnh hưởng tới huyết áp
Trong quá trình gây mê, cơ thể người bệnh có thể bị thiếu lượng oxy cần thiết dẫn tới lượng oxy trong máu giảm khiến cho huyết áp tăng cao.
Sử dụng thuốc giảm đau
Một sốnhóm thuốc kháng viêm không chứa steroid có thể có tác dụng phụ làm tăng huyết áp. Vì thế, nếu người bệnh có tiền sử bị huyết áp cao hãy nói rõ với bác sĩ phẫu thuật để có phương pháp khiểm soát tình trạng huyết áp trong và sau quá trình phẫu thuật.
Những yếu tố nguy cơ tăng huyết áp sau phẫu thuật
Một số yếu tố nguy cơ được cho là nguyên nhân dẫn tới tình trạng tăng huyết áp sau phẫu thuật là: Trọng lượng cơ thể; Yếu tố tuổi tác; Tình trạng stress của người bệnh khi tiến hành phẫu thuật….
Biến chứng có thể xảy ra: Những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như: suy tim, loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, chảy máu vết mổ, xuất huyết não…
Theo các chuyên gia: Trường hợp người bệnh không có tiền sử cao huyết huyết thì triệu chứng huyết áp tăng sau phẫu thuật chỉ là tạm thời, sau khoảng 48 giờ huyết áp của người bệnh sẽ trở về trạng thái bình thường. Nếu người bệnh có tiền sử huyết áp cao thì cần có biện pháp kiểm soát huyết áp đúng cách để tránh nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật.
Trong cuộc sống hàng ngày, để phòng giữ cho huyết áp ổn định, các bạn nên có lối sống khoa học, ăn uống điều độ, không nên sử dụng chất kích thích (bia, rượu), giữ cho tâm trạng ổn định (có thể sử dụng liệu pháp massage).