Bệnh thiếu máu cơ tim còn có tên gọi khác là bệnh tim thiếu máu cục bộ. Đây là bệnh lý nguy hiểm bởi nó có tỷ lệ tử vong cao hàng đầu trong số các bệnh lý về tim mạch.
Tìm hiểu về bệnh thiếu máu cơ tim
Thế nào là thiếu máu cơ tim?
Thiếu máu cơ tim là tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ mạch vành, làm giảm lưu lượng máu đến nuôi tim. Trong đó, mạch vành là mạng lưới mạch máu bao quanh tim, nó có nhiệm vụ cung cấp máu giàu oxy để nuôi dưỡng tim.
Khi tình trạng thiếu máu cơ tim xảy ra, nếu máu không được tái tạo kịp thời có thẻ gây hoại tử một vùng tim hay còn gọi nhồi máu cơ tim. Bệnh thiếu máu cơ tim có thể gây biến chứng nguy hiểm khiến người bệnh tử vong đột ngột do nhồi máu cơ tim hoặc do rung thất.
Các thể của bệnh thiếu máu cơ tim
Thể không bị đau ngực
Đây là bệnh thiếu máu cơ tim yên lặng. Thể này thường gặp ở người bệnh đái tháo đường hoặc những người cao tuổi có tiền sử mắc bệnh lý tim mạch. Khi bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng xảy ra, người bệnh không cảm thấy đau ngực, nên bệnh chỉ phát hiện và chẩn đoán bằng phương pháp điện tâm đồ. Thiếu máu cơ tim thầm lặng có nguy cơ cao biến chứng nhồi máu cơ tim hoặc đột tử nếu không được phát hiện tình trạng bệnh và điều trị sớm.
Thể có đau ngực
Thiếu máu cơ tim ở giai đoạn đầu của thể này, triệu chứng đau ngực chỉ xuất hiện khi người bệnh vận động gắng sức, khi xúc động mạnh hoặc lúc thời tiết quá lạnh. Khi bệnh nặng hơn, người bệnh cảm thấy đau ngực ngay cả khi nghỉ ngơi.
Cơn đau thường xuất hiện ở vị trí ngực trái vùng trước tim với các dấu hiệu như:
Người bệnh có cảm giác khó chịu, nặng ngực; Cảm giác bị đè ép ở vùng sau xương ức lan tới hàm, lan tới cổ, vai trái và cánh tay trái; Người bệnh thường cảm giác lo âu, hồi hộp; Bị khó thở; Cảm giác buồn nôn hoặc có thể nôn; Cảm thấy choáng váng, cơ thể vã mồ hôi,...
Tần suất cơn đau: Các cơn đau có tần suất thay đổi, có thể vài tuần hoặc vài tháng đau một lần, cũng có trường hợp bị đau vài lần trong ngày. Thời gian đau thường kéo dài từ vài giây tới vài phút, tuy nhiên sẽ không đau quá 5 phút. Khi cơn đau xuất hiện, người bệnh cần được theo dõi và điều trị tích cực để phòng tránh nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Chẩn đoán bệnh thiếu máu cơ tim
Thiếu máu cơ tim thường được chẩn đoán bằng các phương pháp như: Điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp động mạch vành tim có bơm thuốc cản quang,...
Nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu cơ tim
Do xơ vữa động mạch vành
Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu máu cơ tim và nó chiếm tới hơn 90% trong số các trường hợp bị thiếu máu cơ tim.
Xơ vữa động mạch vành xảy ra do sự tích tụ cholesterol và canxi trong lòng mạch vành. Thời gian lâu dần, các mảng bám sẽ dày lên làm lòng mạch, gây xơ cứng và làm giảm lưu lượng máu đến tim. Hậu quả khiến cơ tim bị thiếu oxy và dưỡng chất cần thiết, gây ra triệu chứng đau thắt ngực, khiến người bệnh cảm thấy nặng ngực hoặc khó chịu nơi lồng ngực.
- Huyết khối trong lòng mạch vành gây thiếu máu cơ tim
Đa phần huyết khối trong lòng mạch vành là do các mảng xơ vữa bị nứt vỡ và tạo thành các cục máu đông. Các cục máu đông này di chuyển trong lòng mạch, gây cản trở dòng máu đi qua động mạch vành tới tim.
Huyết khối chính là nguyên nhân gây ra những cơn đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim.
- Do tình trạng co thắt vành
Co thắt vành là nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim cục bộ và đau thắt ngực,ngay cả khi động mạch vành không bị tắc hẹp.
Một số yếu tố nguy cơ có thể gây ra bệnh thiếu máu cơ tim
- Do thói quen hút thuốc lá: Hút thuốc lá có thể gây xơ cứng thành động mạch, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và gây ra tình trạng thiếu máu cơ tim.
- Người bị bệnh cao huyết áp: Tình trạng huyết áp tăng quá cao trong suốt thời gian dài có thể gây ra: Xơ vữa động mạch; Tổn thương các động mạch vành; Giảm lượng máu nuôi tim gây thiếu máu cơ tim.
- Do mắc bệnh tiểu đường: Người mắc bệnh tiểu đường thường gặp các vấn đề về tim mạch như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim,...;
- Tình trạng thừa cân, béo phì: Khi trọng lượng cơ thể quá nặng có thể gây ra bệnh tiểu đường, tăng huyết áp và làm tăng nguy cơ bị thiếu máu cơ tim.
- Do lười vận động: Những người ít vận động thể chất cũng có thể làm gia tăng nguy cơ thiếu máu cục bộ cơ tim.
- Một số yếu tố khác: Do vận động gắng sức; Nhiệt độ quá lạnh; Do căng thẳng tâm lý kéo dài; Do sử dụng cocain,...
Phương pháp điều trị giúp cải thiện tình trạng thiếu máu cơ tim
Kết hợp giữa thay đổi lối sống và sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
- Sử dụng thuốc điều trị;
- Phương pháp can thiệp phẫu thuật;
- Bỏ hút thuốc lá (nếu có);
- Giữ cân nặng ở mức cho phép;
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học: Giảm muối và giảm cholesterol, tăng cường ăn rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt,…;
- Thường xuyên theo dõi kiểm tra các chỉ số huyết áp, cholesterol máu và đườnghuyết để xử lý kịp thời nếu có dấu hiệu bất thường.
- Tăng cường tập luyện thể dục thể thao;
- Giảm căng thẳng, stress;
- Áp dụng liệu pháp massage: Massage giúp giảm căng thẳng, tuần hoàn máu tốt hơn, giảm áp lực co bóp cho trái tim.