Tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm. Nguời bị tăng huyết áp nếu không được điều trị và kiểm soát tốt huyết áp sẽ làm tổn thương nặng các cơ quan đích và gây ra các biến chứng như: tai biến mạch não, nhồi máu cơ tim, phình tách thành động mạch chủ, suy tim, suy thận,đột quỵ... nếu nặng có thể dẫn đến tử vong.
Thế nào là huyết áp tăng?
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ ra rằng, những người bị tăng huyết áp khi có chỉ số đo huyết áp > 140/90mmHg(Huyết áp tâm thu/Huyết áp tâm trương).
Tăng huyết áp đã được WHO phân theo độ như sau:
- Tăng huyết áp độ I: khi huyết áp từ 140 – 159/90 - 99mmHg;
- Tăng huyết áp độ II: khi huyết áp từ 160 - 179/100 - 109mmHg;
- Tăng huyết áp độ III: khi huyết áp từ 180/110mmHg trở lên.
Tổ chức y tế thế giới cũng quy định:
Huyết áp mục tiêu là huyết áp < 140/90mmHg,
Riêng đối với người bị bệnh đái tháo đường thì huyết áp mục tiêu phải < 130/80 mmHg.
Mặc dù vậy, đối với một người bình thường, huyết áp cũng có sự dao động rõ rệt, từ lúc thức giấc buổi sáng cho đến 10 giờ sáng huyết áp thường cao dần. Tình trạng huyết áp sẽ tăng nhiều hay ít phụ thuộc vào sự vận động và trạng thái tinh thần. Vì thế, lúc chúng ta ngủ huyết áp sẽ thấp hơn lúc làm việc bình thường khoảng 20mmHgvà cao hơn lúc buổi chiều là 10%.
Triệu chứng nhận biết tăng huyết áp
Mặc dù là căn bệnh rất nguy hiểm, song tăng huyết áp lại ít có triệu chứng rõ ràng. Nhiều người chỉ biết được mình bị tăng huyết áp khi đi khám bệnh định kỳ hoặc vì lý do tình cờ nào đó.
* Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp, người bị tăng huyết áp có những triệu chứng như:
Luôn cảm thấy hồi hộp,
Tim đập mạnh,
Thường xuyên bị nhức đầu, chóng mặt trong chốc lát,
Mặt đỏ, ra mồ hôi...
Những biến chứng nguy hiểm do bệnh tăng huyết áp gây ra
Các biến chứng liên quan đến tim mạch
- Người bị tăng huyết áp lâu ngày sẽ làm hỏng lớp nội mạc của mạch vành, khiến cho các phân tử Cholesterol tỷ trọng thấp dễ dàng di chuyển từ lòng mạch máu vào động mạch vành và hình thành mảng xơ vữa động mạch làm cho mạch vành bị hẹp.
Khi động mạch vành bị hẹp càng nặng, sẽ gây ra các cơn đau tức ngực cho người bệnh. Cơn đau tức ngực gia tăng khi người bệnh gắng sức hoặc vận động nhiều, khi leo cầu thang…, khi người bệnh ngừng gắng sức thì cơn đau sẽ giảm.
Trường hợp mảng xơ vữa động mạch bị nứt hoặc vỡ sẽ hình thành cục huyết khốitrong lòng động mạch vành, làm tắc động mạch vành khiến người bệnh bị nhồi máu cơ tim. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy ngực đau dữ dội, khó thở, đổ mồ hôi…cơn đau có thể lan lên cổ, sang tay trái và ra cả sau lưng.
- Tăng huyết áp có thể khiến cơ tim bị phì đại
Khi huyết áp cao gây nhồi máu cơ tim, sẽ làm cho một vùng cơ tim của người bệnh bị chết, không thể co bóp được, dẫn đến suy tim. Nếu tăng huyết áp lâu ngày sẽ làm cơ tim phì đại.Trường hợp huyết áp tăng cao mà không được điều trị cũng sẽ dẫn đến suy tim.
Gây ra các biến chứng về thận
- Cao huyết áp làm hỏng màng lọc của các tế bào thận, khiến người bệnh đi tiểu ra protein, tình trạng này nếu để lâu ngày sẽ gây suy thận.
- Làm hẹp động mạch thận, khiến thận tiết ra nhiều chất Renin sẽ dẫn tới huyết áp cao hơn, tình trạng hẹp động mạch thận lâu ngày cũng sẽ gây ra suy thận.
Tăng huyết áp gây ra các biến chứng về não
- Gây tai biến mạch máu não
Khi cao huyết áp gây ra tai biến mạch máu não có thể khiến các mạch máu não bị vỡ do không chịu nổi áp lực, lúc đó người bệnh sẽ bị xuất huyết não gây liệt nửa người hoặc liệt hoàn toàn, trường hợp nặng thì có thể tử vong.
- Làm nhũn não
Cao huyết áp có thể làm hẹp mạch máu nuôi não, nếu mảng xơ vữa bị nứt hoặc vỡ sẽ hình thành cục máu đông làm tắc mạch máu não, một vùng não sẽ bị chết hay còn gọi là nhũn não.
- Gây thiếu máu não
Động mạch cảnh, động mạch não sẽ có thể bị hẹp khi huyết áp tăng cao làm thiếu lượng máu bơm lên não khiến bệnh nhân thấy chóng mặt, hoa mắt, thậm chí là bất tỉnh.
Tăng huyết áp gây biến chứng về mắt
- Làm hỏng mạch máu võng mạc,
- Thành động mạch dày và cứng gây hẹp lòng mạch
- Trường hợp nếu bị xơ cứng thành mạch thì động mạch sẽ chèn ép tĩnh mạch và cản trở tuần hoàn có thể làm hỏng mắt.
- Khi huyết áp cao còn có thể gây xuất huyết võng mạc, phù đĩa thị giác khiến thị lực bị giảm, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.
Gây ra các biến chứng về mạch ngoại vi
Làm phình động mạch chủ, thậm chí có thể bóc tách, vỡ thành động mạch chủ dẫn đến tử vong.
Khi tăng huyết áp còn có thể làm hẹp động mạch chậu, động mạch chân, động mạch đùi. Khi động mạch chân bị hẹp nhiều sẽ gây trở ngại cho người bệnh khi di chuyển nhiều.
Tăng huyết áp gây đột quỵ
Khi huyết áp tăng hoặc hạ quá mức đều là yếu tố bất lợi vì rất dễ bị đột quỵ não.
Gây biến chứng tiểu đường
Tuy là hai bệnh riêng biệt, song tăng huyết áp và tiểu đường lại có mối liên quan mật thiết với nhau. Một người khi đã mắc bệnh huyết áp thì rất dễ mắc cả bệnh tiểu đường và ngược lại.
Người bệnh cao huyết áp nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thể thao phù hợp với thể trạng, kết hợp với massage trị liệu để thư giãn và giảm căng thẳng. Nên đi khám bệnh định kỳ để tầm soát bệnh hiệu quả.