Khi mắc chứng đau đầu mệt mỏi, ngoài các yếu tố gây bệnh như vấn đề về thần kinh hay não bộ, thì có thể còn do tình trạng co thắt các cơ vùng mặt, cổ và da đầu. Vì thế, các cơn đau đầu do căng cơ hay còn được gọi là đau đầu do căng thẳng, thường có nguyên nhân chủ yếu từ tâm lý của người bệnh.
Những nguyên nhân gây ra chứng đau đầu khi căng thẳng
Do bị căng thẳng thần kinh
Khi con người đứng trước các vấn đề trong cuộc sống, chính cách nhìn nhận, phản ứng cũng như thái độ ứng xử sẽ tác động tới tâm lý, từ đó có thể gây căng thẳng, stress.
Căng thẳng, stress cũng được xếp vào nhóm bệnh đô thị, khi nhịp sống phát triển hiện đại, khiến con người ngày càng bận rộn và sống trong môi trường sống ồn ào. Do vậy, tình trạng đau đầu mệt mỏi có xu hướng xuất hiện phổ biến, nhất là ở thành thị khi người dân nơi đây phải lo toan công việc, gia đình và không có thời gian dành riêng cho bản thân.
Tình trạng stress sẽ khiến cơ thể sản sinh một lượng lớn hormone cortisol, đồng thời đòi hỏi năng lượng lớn từ chất béo. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới tăng huyết áp và khiến tim đập nhanh hơn, thậm chí có thể gây rối loạn tuần hoàn máu, tăng áp lực lên thành mạch khiến tình trạng đau đầu mệt mỏi kéo dài. Trường hợp nặng có thể gây ra các bệnh lý liên quan tới tim mạch.
Yếu tố thời tiết thay đổi
Thời tiết thay đổi cũng có thể khiến những người nhạy cảm với các vấn đề như sự biến đổi bất thường của nhiệt độ, độ ẩm, áp suất không khí... sẽ bị đau đầu, mệt mỏi.
Trong đó, phụ nữ và người cao tuổi là nhóm đối tượng dễ bị tác động nhất bởi yếu tố thời tiết. Chẳng hạn, khi thời tiết nắng nóng khiến cơ thể mất nước, gây căng thẳng và khó ngủ, xuất hiện cơn đau đầu, lâu dần có thể bị đau đầu mãn tính.
Người mắc chứng rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình xảy ra khi hệ thống thần kinh bị tổn thương do hội chứng stress. Trong đó, dây thần kinh làm nhiệm vụ truyền dẫn thông tin bị tác động tiêu cực khiến hệ thống tiền đình hoạt động thiếu chính xác gây ra cảm giác lo lắng, căng thẳng, đau đầu và mệt mỏi.
Do một số yếu tố khác
Một số yếu tố có thể trở thành nguyên nhân khiến các cơ ở vùng dưới da đầu hoặc vùng cổ trở nên căng cứng, từ đó kích thích cơn đau đầu mệt mỏi.
- Do ăn quá no hoặc quá đói.
- Trường hợp uống nhiều bia rượu.
- Do phải chịu sự ô nhiễm tiếng ồn.
- Do áp lực công việc.
- Những người bị va chạm, chấn thương vùng đầu.
- Do mắc chứng trầm cảm.
- Khi giữ 1 tư thế trong thời gian dài.
- Trường hợp mắc các bệnh lý khác…
Những dấu hiệu giúp nhận biết tình trạng đau đầu do căng thẳng
Một số triệu chứng phổ biến của tình trạng đau đầu do căng thẳng, bao gồm:
- Người bệnh luôn có cảm giác bị siết chặt quanh đầu.
- Cảm thấy nặng đầu và đau âm ỉ, một số trường hợp xuất hiện cơn đau vùng gáy.
- Mất tập trung.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Mức độ cơn đau tăng lên khi người bệnh rơi vào trạng thái stress, mệt mỏi, hoặc bị ô nhiễm tiếng ồn.
- Có dấu hiệu co cứng ở các cơ vùng mặt - cổ - đầu.
- Đôi khi có cảm giác trong đầu có tiếng gõ.
Một số trường hợp đau đầu kèm triệu chứng nôn mửa, cảm giác tê rần ở mặt, bủn rủn tay chân, rối loạn thị giác… cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị đau đầu do căng thẳng
Chẩn đoán đau đầu do căng thẳng
Để chẩn đoán đau đầu, bác sĩ sẽ khai thác thông tin về tiền sử bệnh án của người bệnh, sau đó tiến hành kiểm tra và hỏi người bệnh một số câu hỏi liên quan như:
- Thời điểm bắt đầu các cơn đau đầu là khi nào?
- Vị trí đau ở đâu?
- Kiểu đau và mức độ đau ra sao?
- Có các triệu chứng đi kèm không, chẳng hạn như: nôn mửa, bủn rủn tay chân, rối loạn thị giác…?
- Người bệnh đã từng gặp tai nạn hoặc chấn thương trong quá khứ hay chưa?
- Có từng sử dụng thuốc gì trước khi bị đau đầu không?
- Tiền sử bệnh đau đầu của gia đình và cá nhân?
- Có từng bị stress trong cuộc sống hàng ngày không?...
Phương pháp điều trị đau đầu do căng thẳng
Một số biện pháp có thể áp dụng nhằm giảm sự co thắt của cơ và các cơn đau như:
- Sử dụng thuốc giảm đau thông thường: Có thể uống một số loại thuốc giảm đau như Aspirin, acetaminophen, ibuprofen.
- Tăng cường tập luyện: Tập những bài thể dục phù hợp sẽ giúp thư giãn và giải tỏa căng thẳng.
- Tập vật lý trị liệu
- Sử dụng thuốc kê đơn cho trường hợp nặng.
Cách phòng tránh đau đầu khi bị mệt mỏi
Khi xuất hiện các cơn đau đầu, người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp để cải thiện tình hình như:
- Nằm nghỉ ngơi trong phòng tối và yên tĩnh.
- Uống thuốc giảm đau.
- Thực hiện động tác xoa bóp vùng gáy cổ, vai và lưng, massage toàn thân hoặc sử dụng ghế massage.
- Có thể chườm lạnh hoặc chườm nóng.
- Tập thể dục thể thao giúp làm chậm quá trình lão hóa và giảm stress sau thời gian làm việc vất vả.
- Luôn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ trong cuộc sống.
- Nếu bị stress nặng, hãy tham khảo ý kiến từ chuyên gia tâm lý.
- Có chế độ ăn uống đủ chất và lành mạnh.
- Tránh làm việc quá sức.
- Không hút thuốc, hạn chế uống bia rượu.