Xây dựng hệ thống miễn dịch khỏe mạnh chính là một trong những vai trò quan trọng của giấc ngủ. Vì vậy, khi một người bị mất ngủ triền miên thì hệ thống miễn dịch của người đó không thể hoạt động tốt được. Ngoài ra, nó còn trở thành nguy cơ mắc một số bệnh liên quan tới vi sinh vật.
Quy trình hoạt động của hệ thống miễn dịch
Hệ thống miễn dịch trong cơ thể hoạt động như một mạng lưới, các cơ chế của nó sẽ bảo vệ cơ thể và chống lại bệnh tật.
Hệ miễn dịch được chia thành 2 loại là:
- Miễn dịch bẩm sinh: Nghĩa là khi con người sinh ra đã có, nó sẽ bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh theo một cách nhất định. Miễn dịch bẩm sinh bao gồm: Da, niêm mạc, chất tiết, bạch cầu, đại thực bào và các bổ thể...
- Miễn dịch đặc hiệu: Miễn dịch này còn được gọi là miễn dịch thu được, đó là khả năng phòng tránh các tác nhân gây bệnh cụ thể khác nhau.
- Các bước hoạt động của hệ miễn dịch: Khi cơ thể bị các tác nhân lạ xâm nhập, ngay lập tức có thể bị các yếu tố miễn dịch không đặc hiệu ngăn cản.
Nếu các tác nhân lạ có thể vượt qua được hàng rào trước đó thì sẽ có hàng rào tế bào tiếp theo bảo vệ. Thực bào sẽ ngăn cản, các receptor sẽ khiến tác nhân lạ dính trên bề mặt tế bào.
Tiếp đến, màng tế bào sẽ lõm vào để bao lấy vi sinh vật, sau đó đóng kín lại tạo thành các hốc thực bào.Các hạt lysosome sẽ làm nhiệm vụ tiêu diệt tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể.
Trong trường hợp các hàng rào miễn dịch không đặc hiệu không thể tiêu diệt được tác nhân lạ xâm nhập, nó sẽ trình diện kháng nguyên lạ và kích hoạt hệ thống miễn dịch đặc hiệu. Đây là các miễn dịch sinh ra để tiêu diệt vi sinh vật. Nếu hệ miễn dịch tốt, tác nhân gây bệnh không quá mạnh thì cơ thể sẽ tiêu diệt nó.
Đối với một số trường hợp cơ thể sức đề kháng yếu, không thể tiêu diệt được các tác nhân gây hại thì cơ thể sẽ bị ốm nặng.
Tình trạng mất ngủ triền miên sẽ làm suy giảm miễn dịch
Giấc ngủ có mối liên hệ mật thiết với hệ miễn dịch
Kết quả của rất nghiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan mật thiết giữa giấc ngủ và hệ thống miễn dịch. Đây chính là mối quan hệ 2 chiều, nghĩa là khi cơ thể bị nhiễm vi sinh vật và nó đáp ứng miễn dịch để chống lại các tác nhân gây bệnh thì giấc ngủ sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi việc ngủ đủ giấc sẽ có tác dụng củng cố hệ thống miễn dịch khỏe hơn.
Cũng từ những nghiên cứu này cho thấy, việc con người thiếu ngủ sẽ khiến hệ miễn dịch suy giảm. Chính vì thế, khi cơ thể chỉ bị sự tác động của những tác nhân thông thường thì việc thiếu ngủ cũng có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, điều này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi khi chúng ta bị ốm.
Những yếu tố cho thấy mất ngủ có thể làm suy giảm miễn dịch
Mất ngủ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ miễn dịch
Thời gian chúng ta ngủ chính là lúc hệ thống miễn dịch giải phóng các protein được gọi là cytokine. Vì thế, mất ngủ sẽ làm thiếu hụt các cytokine bảo vệ này.
Khi không ngủ đủ giấc cũng sẽ làm giảm các kháng thể và tế bào chống nhiễm trùng. Cụ thể là tế bào lympho của cơ thể giảm xuống khi chúng ta ngủ không đủ giấc.
Trong trường hợp cơ thể bị bệnh hoặc chấn thương, chính phản ứng viêm có thể giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi, đồng thời củng cố khả năng miễn dịch bẩm sinh. Đây cũng là sự thích ứng khi cơ thể hoạt động chống lại nhiễm trùng và sửa chữa vết thương. Các phản ứng viêm sẽ hoạt động tốt hơn khi chúng ta ngủ và giúp hệ thống miễn dịch giải phóng năng lượng.
Bên cạnh đó, hormone Melatonin có tác dụng thúc đẩy giấc ngủ cũng được sản xuất vào ban đêm, loại hormone này có khả năng chống lại căng thẳng do viêm.
Mất ngủ gây ảnh hưởng tới phản ứng sốt
Nhiệt độ cơ thể sẽ tăng khi bị nhiễm vi sinh vật và nó tăng tới một mức nào đó sẽ được gọi là sốt. Đây là đáp ứng miễn dịch tốt đối với cơ thể, nhất là khi chúng ta ngủ, cơ thể sẽ phản ứng với cơn sốt tốt hơn, đồng thời đây cũng là thời điểm cơ thể chống nhiễm trùng tốt nhất.
Mất ngủ sẽ làm giảm đáp ứng của vắc-xin
Tiêm phòng vắc-xin chính là cách tạo đáp ứng miễn dịch chủ động. Tuy nhiên, khi cơ thể thiếu ngủ, nó sẽ tạo ít kháng thể hơn đối với một số loại vắc-xin. Điều này sẽ khiến cơ thể không được bảo vệ tốt mặc dù đã được tiêm phòng.
Phương pháp phòng tránh mất ngủ và tăng cường hệ miễn dịch
Mất ngủ có liên hệ chặt chẽ tới hệ miễn dịch. Vì vậy, để hệ miễn dich hoạt động tốt thì thời lượng ngủ tối ưu cũng cần đảm bảo:
Đối với người lớn sẽ là từ 7 - 8 tiếng mỗi đêm;
Thanh thiếu niên cần ngủ từ 9 - 10 tiếng;
Trẻ em trong độ tuổi đi học nên ngủ ít nhất 10 tiếng hoặc nhiều hơn.
- Một số cách giúp cải thiện giấc ngủ, đồng thời tăng cường miễn dịch:
Tạo thói quen tốt và thay đổi môi trường phù hợp, tránh ánh sáng, tiếng ồn, sắp xếp lịch trình ngủ cố định mỗi ngày.
Không sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ.
Chăm chỉ tập thể thao.
Thực hiện chế độ ăn uống khoa học cũng rất tốt cho hệ miễn dịch.