Rất nhiều người đam mê vận động đã từng gặp phải các chấn thương thể thao như bong gân, căng cơ, chấn thương đầu gối,.. Một số trường hợp cho rằng đây chỉ là những cơn đau tạm thời và nó sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, khi gặp các chấn thương do vận động, nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại những hậu quả nặng nề.
Cần lưu ý với các chấn thương thể thao
Trong quá trình tập luyện và chơi thể thao, phần thân dưới là nơi dễ bị chấn thương nhất, có thể lên tới 42%. Chấn thương ở các chi trên chiếm khoảng 30% thương tích, phần còn lại là các chấn thương ở vùng đầu và cổ.
Các loại chấn thương phổ biến thường gặp trong hoạt động thể thao:
- Bị tổn thương gân – cơ;
- Tổn thương dây chằng hoặc bị trật khớp;
- Tổn thương sụn ở nhiều vị trí, nhiều khớp;
- Các chấn thương làm gãy xương.
Một số chấn thương thể thao khác:
- Các chấn thương liên quan đến khớp gối: Tình trạng rách dây chằng chéo trước; Bị rách dây chằng bên trong gối; Hội chứng bánh chè đùi: chấn thương này thường gặp khi chơi bóng rổ, bóng chuyền…; Bị rách sụn chêm ...
- Các chấn thương vùng khuỷu tay: Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay, chấn thương này gây đau nhức bên ngoài khuỷu tay, người bệnh sẽ cảm thấy đau hơn khi sấp ngửa và xách đồ nặng.
- Chấn thương háng: Loại chấn thương này thường xảy ra khi chơi các môn thể thao như bóng đá, tennis,... Triệu chứng đặc trưng là xuất hiện cơn đau dữ dội ở vùng háng, đùi, hông, sau đó lan xuống đầu gối. Chấn thương háng gây khó khăn khi di chuyển, rất khó để chạy nhảy hoặc vặn mình.
- Chấn thương vai: Thường gặp nhất là tình trạng trật khớp vai; Bị viêm hoặc rách gân chóp xoay; Khớp vai đông cứng; Tổn thương sụn viền… Chấn thương vai khiến người bệnh không thể cử động vùng vai và cánh tay, thậm chí khớp vai có thể bị biến dạng.
- Chấn thương vùng bàn chân: Dễ gặp nhất là tình trạng viêm cân gan chân. Triệu chứng đặc trưng nhất của chấn thương này là các cơn đau nhói vào mỗi buổi sáng khi vừa thức dậy hoặc sau khi vận động, đi lại hoặc đứng nhiều.
Những nguyên nhân gây chấn thương trong thể thao
- Do yếu tố tuổi tác;
- Những người béo phì thừa cân;
- Do tình trạng sức khoẻ không ổn định;
- Thực hiện động tác sai kỹ thuật và sai phương pháp tập luyện;
- Do dụng cụ thi đấu không phù hợp, cơ sở vật chất không đáp ứng đủ điều kiện;
- Do chăm sóc vết thương sai cách.
Cách xử trí khi bị chấn thương trong thể thao
Các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên đối với các chấn thương gặp phải trong thể thao, đối với các chấn thương không quá nghiêm trọng, không gây quá nhiều đau đớn và người bệnh vẫn có thể vận động nhẹ nhàng, không có vết thương chảy máu… người bệnh cần được sơ cứu càng sớm càng tốt liên tục trong 72giờ đầu với phương pháp R.I.C.E.
Phương pháp R.I.C.Eđược các bác sĩ chỉ định phổ biến:
- R (Rest) - Nghỉ ngơi
Người bệnh cần tránh các động tác gây đau hoặc tránh lực tác động vào nơi tổn thương.
Tạm dừng các hoạt động thể thao, hạn chế di chuyển cũng như vận động để xương khớp được nghỉ ngơi hoàn toàn.
- I (Ice) - Chườm lạnh
Sử dụng túi chườm lạnh chuyên dụng hoặc chai nước để chườm lên vùng đau từ 15 – 30 phút mỗi lần, cách 1 – 2 giờ lại chườm một lần.
=> Lưu ý: Tránh để đá lạnh tiếp xúc trực tiếp với da, nên sử dụng túi chườm hoặc khăn để bọc đá. Khi chườm nên di chuyển túi đá xung quanh vùng đau, không nên chườm quá lâu ở 1 vị trí vì nó có thể gây bỏng lạnh.
- C (Compress) - Băng ép
Sử dụng các băng nẹp thông dụng để quấn quanh vùng bị thương, tốt nhất hãy nhờ người có kỹ năng băng bó, sơ cứu để băng ép chấn thương.
- E (Elevate) - Nâng cao
Khi bị chấn thương chi cần lưu ý kê cao phần chi bị thương. Việc kê cao có tác dụng giảm sưng, giảm đau và giảm tình trạng viêm do nó được tăng hồi lưu máu tĩnh mạch.
Chẳng hạn, việc nâng cao được thực hiện nếu bị bong gân mắt cá chân, người bệnh hãy nằm trên giường và gác chân lên gối, sao cho phần bị thương được đặt cao hơn so với toàn bộ cơ thể.
Ngoài ra, khi gặp chấn thương trong thể thao, cách tốt nhất người bệnh hãy tới các cơ sở chuyên khoa xương khớp để được thăm khám sớm. Đi khám để bác sĩ có thể đánh giá mức độ chấn thương, từ đó đưa ra cách điều trị phù hợp. Đối với trường hợp chấn thương gây đau nặng hoặc đau không thể vận động được, chi bị biến dạng hoặc có vết thương gây chảy máu… người bệnh có thể tới khám cấp cứu ngay sau khi bị chấn thương để được xử trí kịp thời.
Để phòng ngừa chấn thương thì khởi động là khâu rất quan trọng trước mỗi buổi luyện tập và thi đầu. Bên cạnh đó người dùng cũng có thể áp dụng liệu pháp massage thể thao. Phương pháp này cũng có tác dụng giúp tăng cường vận động, giảm đau và giúp hồi phục nhanh hơn. Việc sử dụng ghế massage để thư giãn các cơ cũng rất tốt. Ngoài ra, người tập cũng cần hiểu rõ các kỹ thuật của môn thể thao mình tham gia để tập đúng, hiệu quả, an toàn !